Thứ Sáu, tháng 11 19, 2010

Nói lời xin lỗi!

Thích Nữ Phong Vị                       

    
           Tôi là một kế toán trưởng có uy tín, làm việc ở công ty. Tính tình ít nói, rất thương vợ và con trai, họ là tài sản quí báu nhất của tôi hiện giờ. Có một việc đáng nhớ xảy ra trong đời tôi, hơn hai mươi năm về trước. Hôm đó, tan sở về nhà, tôi bước vào phòng cùng với lời chào mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, đứa con trai đang học đại học hỏi liền “Ba đã làm mất mặt con bằng cách theo dõi, điều tra qua số điện thoại, qua người quen biết phải không ?”. Nghe xong, tôi rất bực tức khi hai mẹ con nhìn tôi bằng ánh mắt nghờ vực, thiếu hiểu biết ... tôi không trả lời, vào phòng đóng sập cánh cửa một tiếng lớn, không ăn uống gì cả. Hôm sau, tôi cũng không muốn nhắc chuyện đó và tôi cố quên đi…. Thế là, tình cảm giữa tôi và con trai cứ phai mờ theo năm tháng.
Hai mươi năm trôi qua, tôi rất ít nói chuyện với con trai, tưởng chừng như tất cả chìm vào dĩ vãng, không ngờ đến một ngày nọ khiến tôi không thể nào quên: Hôm đó, cả gia đình đứa con trai năm nào đã làm cho tôi khổ, nó trở về thăm tôi. Thằng nhóc, cháu nội của tôi nó đã lớn, với độ tuổi là thiếu niên. Và hôm đó, tôi chứng kiến sự bực bội của cháu nội tôi, qua những lời lẽ khó chịu với ba của nó rằng; “Ba đã làm mất mặt con bằng cách theo dõi, điều tra qua số điện thoại, qua người quen biết phải không?”. Cũng như câu nói đó, ngày xưa con trai tôi đã ban tặng tôi như vậy. Lúc đó, con trai tôi bực tức quá không chịu nỗi, nên đã nói ra đủ thứ ngôn từ trách móc và buộc tội đứa cháu nội. Cơn thịnh nộ đó vừa nguôi, con trai tôi im lặng một hồi rồi nhìn vào mắt tôi. Con trai tôi ngập ngừng và thốt từng tiếng trong xúc động, trong sự hối hận : con xin lỗi ba! Tôi cũng vậy, thốt ra từng lời nghẹn ngào: ba cũng xin lỗi con! Thế là, cả hai cha con chúng tôi ôm nhau trong sự xúc động không nói nên lời!
Ba xin lỗi con: vì lòng tự trọng, tự ái của người cha không thể hạ mình xin lỗi con; ông ta nghĩ rằng im lặng là cách tốt nhất cho gia đình êm xuôi để tự con nhận biết. Nhưng không ngờ vô tình để cho sự cảm thông, hiểu biết và thương yêu nằm chìm, bao bọc trong lạnh nhạt tạo khoảng cách xa dần cha – con và để con chịu hậu quả như vậy.
Con xin lỗi ba: con có thể minh bạch việc làm của mình bằng thời gian hay nhiều cách dễ thương hơn thay vì con chỉ biết mình bị xúc phạm, mất danh dự…vội vàng không chấp nhận hoàn cảnh, hành động của ba, kết quả hiện tại như gáo nước lạnh tạt vào mặt tự ái, bản ngã của con.
Sau lời nói xin lỗi chân tình đó, là dòng suối mát của tình thương, khiêm hạ, nhẫn nhịn,… tuôn chảy như thác đổ, cuốn trôi những nóng bức, lạnh nhạt của giận hờn, trách móc, ích kỷ, hẹp hòi … của tâm tham, sân làm thỏa mãn cho cái ta cái của ta, để nhường lại cho sự cảm thông, yêu thương, hòa hợp … của vô ngã, vị tha hiển hiện thật ấm áp, trong lành cho thế gian luôn sống trong hạnh phúc, hòa bình.  
Tiếc thay, trong giao tiếp chúng ta thường mạnh dạn để; thổ lộ, lấy cảm tình, phân tích, làm sáng tỏ lỗi người khác nhưng thường yếu đuối trong câu xin lỗi nhìn nhận và chịu trách nhiệm lỗi lầm của mình.
Tại sao ta không thể nói lời xin lỗi để cho các pháp lành; tình thương, khiêm hạ, nhẫn nhịn… tràn vào cuốn trôi danh dự, uy tín mà từ lâu ta cố công dàn dựng? Và cũng là chất liệu thương yêu để hàn gắn, nối kết lại những rạn nứt trong tình cảm con người, tạo thành những thông điệp ấm áp của trái tim, tình thương chan hòa cho xã hội hiện thực ngày nay đang trong cơn khủng hoảng, dao động, bấp bênh?
          Lời xin lỗi, có khả năng giúp cho ta truyền thông tốt với những người chung quanh, tạo ra sự cảm thông, thân thương, tốt đẹp giữa mình và mọi người. Nhiều khi, có ai đó khuyên bảo ta tới xin lỗi với người nào đó, ta vội vàng tìm đến đối tượng kia để mở lời xin lỗi, hay làm hành động cụ thể gì đó để tạ lỗi; lịch sự, ý thức trách nhiệm… Như vậy, lời xin lỗi có động cơ, mục đích, điều kiện, không khác gì ta đang khẩn trương tìm cách bù đắp cảm xúc tốt cho đối tượng; vì ta đã lỡ mang đến cho họ cảm xúc xấu, với mong muốn họ đừng giận mà làm mất giá trị hay giảm đi nhịp cầu thông cảm giữa hai phía.
Vì vậy cho nên, những điều không như ý cũng chính là thước đo giá trị con người qua lời nói xin lỗi, và mức độ giá trị của lời nói xin lỗi phụ thuộc vào rất nhiều từ tâm mà ra, nó có khả năng sức mạnh để mở ra cánh cửa an vui hạnh phúc cho các pháp thiện lành sinh trưởng, nhằm đem lại sự an bình, tươi mát cho thế gian, vũ trụ bao la này.   

0 comments:

Đăng nhận xét