Chủ Nhật, tháng 9 18, 2011

Ngồi lại và lắng nghe để xây dựng hạnh phúc



Chung sống với nhau trong một đoàn thể hoặc trong gia đình thì bản thân của mỗi người đều có cơ duyên học hỏi và thừa hưởng được những cái hay cái đẹp từ người khác hiến tặng. Tuy nhiên, bất cứ một tổ chức hay đoàn thể nào cũng có những khó khăn và trở ngại xảy ra. Đó là sự thật hiển nhiên. Bởi lẽ, khi con người còn bị tham sân si chi phối, trói buộc thì phiền não khổ đau vẫn còn. Do đó, ngồi lại bên nhau để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như lắng nghe trọn vẹn những tâm tư, nguyện vọng của người khác là phương pháp vô cùng hữu hiệu, có khả năng giúp cho chúng ta hiểu và thương được với mọi người.

Vấn đề này đã được đức Thế Tôn dạy như sau: “Này các Tỷ-kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người. Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chư Tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách và từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa.” (Tiểu Bộ I, Kinh Phật thuyết như vậy, chương Một pháp).

Trong truyền thống của đạo Phật, cứ mỗi nữa tháng những vị Tỷ-kheo đều phải ngồi lại bên nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tu tập cũng như nói ra những thiếu sót, lỗi lầm của mình trong nữa tháng vừa qua để được chư Tăng soi sáng và chỉ bảo. Khi người phạm lỗi chí thành sám hối sửa đổi và quyết tâm hướng thiện, đồng thời nhờ vào những lời chỉ bảo, góp ý của chư huynh đệ, nên các phiền não cấu uế dễ dàng được chuyển hóa, tâm hồn vị ấy trở nên thanh tịnh và trong sáng. Việc kế tiếp là đọc tụng giới luật, giúp các Tỷ-kheo ghi nhớ và hành trì. Việc làm này gọi là Bố-tát, có nghĩa là trưởng tịnh, nhờ vào phương pháp hội họp trong tinh thần hòa hợp, nên tâm hồn vị Tỷ-kheo trở nên thanh tịnh và đạo lực tăng trưởng.

Như vậy, đối với những người xuất gia ngày đêm tinh chuyên tu tập chuyển hóa phiền não tham sân si, nhưng vẫn phải thiết lập thời khóa hội họp vào mỗi nữa tháng một lần, để chia sẻ và hóa giải những gì yếu kém mà bản thân mỗi người không thể nào thấy biết hết được. Trong khi đó, các tổ chức đoàn thể hoặc tự thân của những vị tại gia, còn phải lo toan cơm áo gạo tiền và bận rộn trăm công ngàn việc thì những trắc trở, khó khăn và bất an không thể nào không hiện hữu. Do đó, việc các cư sĩ ngồi lại bên nhau một vài lần trong tháng là điều cần phải thực thi. Bởi lẽ, chúng ta chỉ cần có mặt cho nhau trong một vài giờ đồng hồ và chia sẻ với tình thương chân thật của mình, thì sẽ tháo gỡ được rất nhiều bế tắc, khổ đau mà ta đang mắc phải.

Bài kinh trên dạy cho chúng ta biết rằng, chất liệu của sự hòa hợp trong Tăng đoàn là cội nguồn của hạnh phúc cho tự thân và lan tỏa đến với nhiều người. Bởi vì hòa hợp là yếu tố vô cùng thiết thực để thành tựu các thiện pháp, và làm nền tảng căn bản cho Tăng chúng cường thịnh. Khi thầy trò, huynh đệ thiết lập được truyền thông, có thể đó là những lúc uống trà cùng nhau đàm đạo, và mỗi người nói ra vấn đề sai sót, vụng dại của mình cũng như đóng góp những ý kiến tích cực về đời sống sinh hoạt trong Tăng chúng, thì trú xứ ấy sẽ xây dựng được nếp sống an lạc và hạnh phúc. Công việc của những người xuất gia là hoàn thiện chính mình, và tạo dựng Tăng đoàn thánh thiện để Chánh pháp được hưng thịnh lâu dài nhằm cứu giúp cho chúng sinh vượt thoát phiền não khổ đau. Vì thế, khi một trú xứ nào mà chư huynh đệ chung sống với nhau trong tinh thần “lục hòa cộng trụ” thì nơi đó sẽ được phát triển và hưng thịnh. Nghĩa là, mọi người ở chung với nhau trong một trú xứ thì các quyền lợi và nghĩa vụ phải được chia sẻ đồng đều, không có dấu hiệu phân biệt kỳ thị. Và vấn đề này đã được đức Thế Tôn thiết lập thành sáu pháp hòa kính như sau:

1. Thân hòa đồng trú (phòng xá, mọi người cùng ở như nhau)

2. Khẩu hòa vô tránh (lời nói ôn hòa, không tranh cãi)

3. Ý hòa đồng duyệt (mọi ý kiến đều được tôn trọng)

4. Giới hòa đồng tu (giới luật cùng nhau gìn giữ)

5. Kiến hòa đồng giải (thấy biết cùng giải bày cho nhau hiểu)

6.Lợi hòa đồng quân (vật dụng phân chia đồng đều)

Sáu pháp hòa kính này rất quan trọng, có khả năng ngặn chặn các pháp bất thiện, giúp cho con người chung sống với nhau đạt được niềm an vui lớn. Vì thế, Đức Phật đã xác quyết rằng, sự hòa hợp chúng Tăng là một pháp khởi lên ở đời đem lại lợi ích và hạnh phúc cho nhiều người.

Đối với đời sống xã hội, khi mọi người tiếp xúc trao đổi với nhau trong tinh thần hòa hợp và thật lòng, sẽ tạo thành sức mạnh và niềm tin vững chắc để đi tới sự thành công tốt đẹp mà bất cứ lĩnh vực nào cũng đều mong muốn. Tuy nhiên, để tạo nên sự hòa hợp thâm tình giữa các mối quan hệ là cả vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi tự thân mỗi người phải nỗ lực phát huy khả năng lắng nghe và chiêm nghiệm thực tế hoàn cảnh của cuộc sống, mới có thể dễ dàng hiểu và thông cảm cho nhau.

Trong gia đình, nếu vợ chồng không biết lắng nghe nhau, cha mẹ không tạo cơ hội ngồi lại để lắng nghe những ý kiến đóng góp của con cái… thì gia đình ấy sẽ thiếu vắng sự truyền thông, không khí sinh hoạt trong ngôi nhà ấy sẽ nặng nề, mọi thành viên chung sống ở đó không đủ khả năng để nhìn rõ mặt nhau và dĩ nhiên hạnh phúc gia đình cũng rất khó thành tựu. Ở các cơ quan, công ty cũng thế. Nếu lãnh đạo không tìm hiểu và lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân viên, không tổ chức những buổi tọa đàm để tháo gỡ các vướng mắc và tìm ra sự đồng thuận của tiếng nói chung thì kể như cơ quan hoặc công ty ấy rất khó phát triển. Do đó, việc ngồi lại và lắng nghe nhau là vấn đề hết sức thiết thực, chúng ta cần phải để tâm đầu tư vào sự thực tập này.

Thực tế cho thấy xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất cũng theo đó mà nâng cao, nhưng truyền thông giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, thầy cô giáo và học trò… hầu như chưa được kết nối đúng mực. Hậu quả là những biểu hiện tiêu cực thường xuyên xảy ra trong các gia đình và xã hội. Đó là xu hướng ly thân, ly hôn ngày càng nhiều; con cái không hiếu thảo với cha mẹ; anh em giành giật, kiện tụng nhau vì tài sản cha mẹ để lại; thanh thiếu niên lao vào ăn chơi, hút chích, trộm cướp, cờ bạc v.v… rất nhiều bất ổn xảy ra mỗi ngày.

Thực ra, nếu bình tâm quán xét sẽ thấy các vấn đề phức tạp ấy đều bắt nguồn từ những sự thiếu cảm thông và hiểu biết. Nếu chúng ta biết bình thản ngồi lại quây quần bên nhau và bày tỏ thật lòng cho nhau nghe, thì có thể mọi vấn đề sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa. Nên chọn một góc không gian yên tĩnh nào đó, để trước mặt mọi người một bình hoa tươi thắm, chỉ cần một tách trà thơm và ngồi yên trong tư thế an ổn, thoải mái thì tâm hồn sẽ trở nên sâu lắng, làm vơi nhẹ gánh nặng lo toan giữa cuộc sống đầy phức tạp này. Khi tâm ý yên tịnh, lời bạn nói ra sẽ chứa đựng an hòa, nội dung sâu sắc tỏa chiếu tình thương yêu, lòng hoan hỷ khiến cho người nghe cảm thấy ấm áp, thân thương và gần gũi.

Để có một cuộc sống an vui hạnh phúc thì tự thân của mỗi người phải luôn rõ biết từng hành động, nói năng và dòng suy nghĩ của mình. Mỗi ngày, bạn nên thực tập ngồi yên và nhận diện các cảm thọ sinh khởi ở thân tâm mình. Việc quán chiếu này sẽ giúp bạn phát huy khả năng định tĩnh và trong sáng vốn có nơi chính mình. Và đây là nền tảng căn bản để bạn có thể dễ dàng ngồi chung với những người thân quen trong không khí thâm tình ấm áp, đem lại niềm tin yêu, an vui hạnh phúc cho tự thân và cho cả sự sống này.

Viên Ngộ


Thứ Tư, tháng 9 07, 2011

cần phải nương tựa

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo: Có ba hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Này các Tỷ kheo, có hạng người không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Ở đây, có hạng người thấp kém về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ kheo, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường, trừ khi vì lòng từ mẫn.
Và này các Tỷ kheo, có hạng người nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Ở đây, có hạng người đồng đẳng (với mình) về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ kheo, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: (Cả hai) đều thiện xảo về giới, về định, về tuệ, vì thế câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về giới, định, tuệ; sẽ lợi ích cho cả hai và làm cho cả hai được an lạc. Do đó, hạng người như vậy nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Này các Tỷ kheo, có hạng người sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Ở đây, có hạng người thù thắng về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: Như vậy, nếu chưa đầy đủ về giới, về định, về tuệ, ta sẽ làm đầy đủ; hay nếu giới, định, tuệ được đầy đủ ta sẽ hỗ trợ thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Cho nên, với hạng người như vậy nên gần gũi, sau khi cung kính, tôn trọng, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Cần phải thân cận [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.221)
LỜI BÀN:


Một trong những biểu hiện quan trọng của quy y Tăng là không gần gũi, thân cận thầy tà, bạn ác. Và giới định tuệ trở thành những tiêu chuẩn tin cậy nhất, là thước đo căn bản nhất để nhận biết về người thầy hoặc bạn mà mình đang nương tựa là chánh hay tà. Cho nên, dù hình thức có hoành tráng đến mấy song nội dung hay phẩm chất thiếu vắng hoặc thấp kém về giới định tuệ thì chắc chắn họ không phải là điểm tựa tâm linh đích thực cho ta quy ngưỡng.
Tuy nhiên, chỉ cần gặp được một người có tu tập và thành tựu giới định tuệ dù chỉ ở cấp độ tương đương với mình thôi cũng cần phải thân cận, hầu hạ và cúng dường, bởi không gì quý bằng “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Do đó, cần phải nương tựa những cộng đồng Tăng thân, pháp lữ chân tu thực học.
Nếu được gần gũi những bậc minh sư thù thắng về giới định tuệ là một phúc duyên lớn. Theo lời dạy của Thế Tôn, đối với các bậc minh sư, hàng Phật tử chúng ta không chỉ cung kính, tôn trọng mà nên gần gũi, thân cận, hầu hạ và cúng dường. Nhất là trong mùa an cư, chư Tăng tập trung về những đạo tràng tịnh tu tam nghiệp, trau dồi giới định tuệ. Đây là cơ hội quý báu cho hàng cư sĩ gieo trồng phước báo và tu tập theo chư Tăng để được chuyển hóa và thăng hoa.

Thích Quảng Tánh

chọn bạn mà chơi

Một thời Thế Tôn trú ở núi Gijjhakùta, dạy các Tỷ kheo: Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ kheo, một Tỷ kheo cần phải thân cận như một người bạn. Thế nào là bảy? Cho những gì khó cho, làm những gì khó làm, nhẫn những gì khó nhẫn, nói lên những gì bí mật của mình, che giấu bí mật của người khác, không từ bỏ khi gặp bất hạnh, không có khinh rẻ khi tài sản khánh tận. Thành tựu bảy chi phần này, này các Tỷ kheo, một Tỷ kheo cần phải thân cận như một người bạn.
Bạn cho điều khó cho/Làm những điều khó làm/Kham nhẫn những lời nói/Thật khó lòng kham nhẫn/Nói lên bí mật mình/Che giấu bí mật người/Bất hạnh, không từ bỏ/Khánh tận, không chê khinh/Trong những trường hợp trên/Tìm được người như vậy/Với ai cần bạn hữu/Hãy gần bạn như vậy.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Chư thiên, phần Bạn hữu [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.322)
LỜI BÀN:

Trong cuộc sống, mỗi người đều có quen biết nhiều, giao hảo rộng rãi nhưng tìm ra bạn hiền để tâm giao quả không mấy dễ dàng. Gặp một người tốt hiểu mình đã khó, chia sẻ những vướng mắc với mình về các phương diện trong cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Người ta thường nói vui, ở đời này “Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông lại nhiều” cũng vì lẽ ấy.
Có không ít người lâm vào khánh kiệt, vương phải nợ nần, gia đình tan nát cũng vì tin bạn. Cho nên, bạn bè có nhiều hạng, khi chưa thực sự hiểu nhiều về bạn thì cũng nên thận trọng, chớ vội sống hết mình. Tuy vậy, có rất nhiều người thành công nhờ sự động viên, giúp đỡ từ bạn bè. Gặp được bạn tốt là một phúc duyên quý báu, cần phải trân quý và gìn giữ tình bạn cao cả ấy.



Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, bạn tốt là người biết chia sẻ, luôn sẵn sàng giúp đỡ, biết nhẫn nhịn, nói năng từ hòa, sống trải lòng ra với bạn bè, thận trọng khi nói về người khác, không bỏ rơi bạn khi gặp hiểm nguy, không khinh chê bạn khi làm ăn thất bại… Những ai hội đủ các phẩm tính ấy thì chắc chắn họ là người tốt, cần phải gần gũi và kết thân lâu dài.
Thân thiết với bạn cũng giống như đi trong sương sớm, lâu dần chắc chắn sẽ bị ướt áo. Ảnh hưởng của bạn bè tác động lên cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Vì vậy, phải chọn bạn mà chơi, tìm bạn tốt để cùng nương nhau học tập, làm việc, tu dưỡng thân tâm trở thành người tốt, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thích Quảng Tánh