Thứ Bảy, tháng 11 26, 2011

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thăm và hướng dẫn thực tập Chánh niệm tại trụ sở chính của Google

Ngày 14-9-2011, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng tăng đoàn Đạo tràng Mai Thôn được mời tới hướng dẫn cho nhân viên của hãng Google tại trụ sở chính của hãng này ở Mountain View về phương pháp thực tập chánh niệm để giảm bớt sự căng thẳng trong đời sống chuyên nghiệp của họ.
google 2.jpg
Thiền sư Thích Nhất Hạnh pháp thoại
tại trụ sở chính của tập đoàn Google
Khoảng trên 600 người đã đến để được hướng dẫn thiền ngồi, thiền đi, nghe pháp thoại, ăn cơm yên lặng trong chánh niệm và Thiền Buông Thư. Mọi người rất phấn chấn, nhiều nhân viên tiết lộ: “Ui chao! Chuyện xảy ra chỉ một lần trong đời, ai mà không tham dự là dại lắm. Thiền Sư Nhất Hạnh tới đây và ở luôn với chúng ta đến 5 tiếng đồng hồ! Các bạn tin được không? Và rồi mọi người đã ở lại cho đến cuối ngày, không ai bỏ cuộc nửa chừng.
Hãng Google có trên 30 000 nhân viên, nhưng chỉ có trên 600 người được tham dự trực tiếp ngày thực tập, tại vì họ đang cư trú và làm việc trong những vùng có trụ sở chính của họ và cũng vì chỗ lớn nhất tại đây chỉ chứa được chừng ấy người. Danh sách chờ đợi hơn 500 mà ban tổ chức không biết phải làm cách gì hơn là cho thêm một phòng riêng có 200 chỗ nữa (ở xa hơn) và tham dự trực tuyến qua màn ảnh.
Niềm an ủi của họ là sẽ được thấy và nghe những lời dạy dỗ và những sinh hoạt của Thiền sư để nguyên không cắt xén trên YouTube để phổ biến toàn cầu, ít nhất 3 giờ 30 phút, những gì  mà ban lãnh đạo cho là quan trọng nhất cho nhân viên của họ.
Tại trụ sở chính của tập đoàn Google ở Mountain View, Hội đồng Quản trị đã bỏ ra những số tiền khổng lồ trang bị những tiện nghi tối đa cho nhân viên làm việc để họ có thể tiếp tục khảo cứu, sáng tạo và sản xuất tới mức tối đa tài năng của những nhân viên ưu tú của mình. Nhân  viên của Google, gọi cho vui là Googlers,  có nhu yếu lớn là làm sao thiết lập được quân bình  giữa những đòi hỏi của chức nghiệp và đời sống cá nhân của họ. Phần lớn đều là còn trẻ, tuổi từ 30 đến 40, phần lớn đều đã tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ như Havard, MIT, Yale và Standford.
Rất nhiều người đã được Google thu dụng ngay sau khi tốt nghiệp các trường đó. Họ là  những người trí thức được đặt vào trong một môi trường đòi hỏi phải làm việc thật nhiều, thật nhanh để có thể tranh đua mà vượt thắng các hãng khác, và không có thì giờ để lo cho bản thân họ. Cách sống và làm việc của họ là dùng hầu hết thì giờ và năng lượng để khai thác suy tư của mình, phải luôn luôn vượt thắng chính mình, phải tự phán xét mình và phán xét người khác trên căn bản khả năng làm cho hay hơn và sản xuất cho nhiều hơn.
Do đó họ phải để ra rất nhiều thì giờ và năng lượng cho các dự án sáng tạo và sản xuất, không cho phép mình được ngừng lại. Mặc dù tại trụ sở chính luôn luôn có những phòng xoa bóp, nhiều cafeterias lớn nhỏ với thực phẩm cống hiến cho nhân viên rất lành mạnh, rất ngon, bổ dưỡng, ăn uống bao nhiêu cũng được và không phải trả xu nào.
Mặc dù những chỗ nghỉ ngơi và giải trí thì có đủ loại để làm vui lòng nhân viên, nhưng  tất cả những tiện nghi vật chất đó không đủ để giảm bớt sự căng thẵng và những áp lực của sự trông chờ. Nhân viên nào cũng làm việc vượt xa mức tối đa của sức người nên kết quả là họ dễ trở thành nạn nhân của trầm cảm, lo lắng, mất ngủ và… mập ra. Rất nhiều người trong họ phải làm việc trên 12 giờ đồng hồ mỗi ngày tại trụ sở. Làm sao để có sự thăng bằng giữa đời sống và công ăn việc làm, đó là vấn đề?
Ngày thực tập bắt đầu bằng những bài hát chánh niệm do các sư cô Đàn Nghiêm, Hiến Nghiêm  và các thầy Pháp Linh và Pháp Khôi hướng dẫn. Sau đó sư cô Tuệ Nghiêm hướng dẫn thiền tọa với sự tham dự của cả tăng đoàn. Sau khi các cô Olivia và Lilian  giới thiệu, Thiền sư Nhất Hạnh bắt đầu nói về pháp môn thực tập. Tiếp đó là phần vấn đáp. Sau đó đại chúng thực tập thiền hành, ăn cơm chánh niệm và sư cô Chân Không hướng dẫn Thiền Buông Thư. Phần đầu của buổi thực tập đã dược Google đưa lên YouTube.
Đề tài thuyết giảng của Thiền sư là Mindfulness as a foundation for Health (Chánh niệm là nền tảng của sức khỏe).
google1.nv.jpg
Google giới thiệu chủ đề pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
“Thầy Thích Nhất Hạnh đã đến hướng dẫn nửa ngày tu tập tại Google về phép chánh niệm để xây dựng sức khỏe. Đây là một dịp viếng thăm hiếm có. Thầy là một trong những thiền sư nổi tiếng nhất thế giới, một tác giả sách bán chạy nhất, một nhà thơ, một nhà vận động hòa bình, đã từng được Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa Bình.
Thầy là người tiên phong áp dụng tuệ giác thiền quán vào việc giải quyết những vấn nạn xã hội, kinh tế và sinh môi. Tác phẩm mới nhất của thầy là Savor, dạy về sự thực tập ăn uống và sống đời chánh niệm, viết chung với Giáo Sư Lilian Cheung của trường đại học Havard. Tuổi đã 85 nhưng thầy còn đi giảng dạy, sau khi giảng dạy tại Hoa Kỳ, thầy sẽ trở về tu viện ở Pháp.
Đời sống ở Google thì vừa hăng say vừa vui nhộn nhưng cách sống này có thể đem lại nhiều tổn thất cho bản thân và cho gia đình. Buổi thực tập hướng đẫn rất khéo léo này của Thầy sẽ giúp cho bạn làm dịu bớt căng thẳng, chỉ cho bạn ăn uống thế nào cho có thêm sức khỏe, ngủ được ngon giấc hơn, xử lý được  những cảm xúc dễ dàng hơn, giữ cho tâm ý được tập trung lâu dài hơn và để thành công nhiều hơn trong việc thi thố tài năng của mình.” - Googe đã tự bạch về sự kiện này như thế.

Theo Làng Mai


Thứ Năm, tháng 11 24, 2011

Thiền là gì?


Chủ Nhật, tháng 11 20, 2011

Tình nghĩa Thầy trò

Tình nghĩa thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà hầu hết mọi người đều trân quý và bồi đắp. Người xưa đã từng dạy rằng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nghĩa là, người dạy cho ta một chữ cũng là thầy và thậm chí nữa chữ thôi cũng làm thầy ta. Lời dạy ấy thật chí lí và thâm sâu, giúp cho kẻ hậu học nhận thức rõ hơn về tình nghĩa thầy trò để thể hiện thái độ tri ân, cung kính và khiêm hạ đối với những người quan tâm chỉ dạy.

Trong kinh Trung A Hàm (phẩm Đại, kinh Thiện Sanh), đức Thế Tôn dạy rằng: “Học trò đối với thầy nên biết năm điều thờ kính, phụng dưỡng thầy. Năm điều đó là gì? Một là khéo cung kính vâng lời. Hai là khéo giúp đỡ, hầu hạ. Ba là hăng hái. Bốn là nghề nghiệp giỏi. Năm là hay thờ kính thầy. Đệ tử lấy năm điều ấy cung kính, phụng dưỡng sư trưởng. Và ngược lại, sư trưởng cũng dùng năm việc săn sóc đệ tử. Năm việc đó là gì? Một là dạy cho nên nghề. Hai là dạy dỗ nhanh chóng. Ba là dạy hết những điều mình biết. Bốn là đặt để ở những chỗ lành. Năm là gửi gắm bậc thiện tri thức. Sư trưởng lấy năm điều ấy mà săn sóc đệ tử”.
Đức Thế Tôn đã chỉ dạy năm phận sự căn bản của người học trò đối với thầy, biểu lộ rõ tinh thần tôn sư trọng đạo, phù hợp với truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của văn hóa Việt Nam. Là người học trò khi được tiếp xúc với thầy, việc trước tiên bạn cần phải học hỏi đạo lý để nhận thức đúng đắn hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Thứ đến, nên quan tâm sức khỏe, công việc và các nhu cầu sinh hoạt khác của thầy, nhằm trợ duyên thêm cho thầy có đủ điều kiện nghiên cứu chuyên sâu để giảng dạy tốt hơn. Tuy nhiên, với những công việc đó, đòi hỏi người học trò phải thực sự có thái độ chân thật, tâm tư nhẹ nhàng và an vui. Bởi, người học trò, đệ tử tôn kính thầy không chỉ dâng tặng lễ vật có tính hình thức bề ngoài, mà cần phải có tấm lòng trung thực và quý kính. Nếu đến với thầy chỉ là món quà nghi lễ cùng tâm ý hời hợt thì kể như bạn chưa thể hiện được nội dung “tôn sư trọng đạo”.
Thực tế cho thấy, trong thời đại ngày nay tình nghĩa thầy trò hầu như thiếu sự gắn bó. Giữa thầy cô giáo và học trò có một khoảng cách khá xa, không thân tình và gần gũi như ngày xưa. Có lẽ, vì xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ trở nên đa dạng và nhu cầu trang bị cho cuộc sống lại cao hơn nên tình cảm thầy trò ít gắn bó, thân thiết hơn. Mối quan hệ giữa thầy trò, sư phụ và đệ tử trong các truyền thống tâm linh cũng vậy, khá rời rạc. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là người học trò rất dễ bị yếu kém về phẩm chất đạo đức, khi không được gần gũi để học hỏi kinh nghiệm quý giá từ thầy. Cho nên, đến lúc lâm vào tình huống khó khăn, trắc trở thì người học trò trở nên rối ren và lúng túng. Vì những kiến thức vay mượn kia không đủ khả năng để hóa giải bản ngã tham sân si vốn dĩ ngủ ngầm trong chiều sâu tâm thức, nên bị sợi dây phiền não khổ đau bủa vây và trói buộc. Do đó, cơ hội thầy trò ngồi lại bên nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn là điều vô cùng quý hóa, giúp cho tâm hồn ta trở nên sâu lắng, đời sống được nhẹ nhàng và thăng hoa.

Để phát huy những giá trị cao đẹp và trong sáng vốn có, người học trò cần phải chú tâm lắng nghe và tiếp nhận những điều thầy giảng dạy, trao truyền. Đây là vấn đề hết sức quan trọng mà người học cần lưu tâm ghi nhớ. Bởi khi bạn hiểu rõ được những lời dạy tâm huyết của thầy thì mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của bạn sẽ thể hiện đúng với đạo lý thầy- trò ở ngoài đời cũng như ở trong đạo. Mặt khác, bạn phải cần cù hăng say trong học tập, dù khó mấy cũng quyết tâm học cho đến khi hiểu biết trọn vẹn, thành thục. Một trong những phận sự căn bản của người học là học cho đến khi thành tài, hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Và quan trọng nhất là sự kính thờ thầy. Xưa, thầy được xếp trên cả cha mẹ, trật tự “quân, sư, phụ” đã khẳng định điều ấy. Thiếu kính trọng thầy, dù ở bất cứ hình thức hay phương diện nào thì người học trò ấy chưa vẹn toàn chức phận học trò của mình.
Bên cạnh đó, Thế Tôn chỉ dạy thêm cho các vị làm thầy biết sử dụng năm phương cách căn bản để dạy dỗ đệ tử. Và vấn đề này rất thiết thực cho cuộc sống, nếu người thầy biết ứng dụng đúng mức sẽ chuyển hóa được những bế tắc và bất an cho tự thân cũng như cho kẻ khác. Thực tế cho thấy, vai trò và trách nhiệm của những thầy cô giáo ở ngoài đời đã khó, huống gì làm bậc thầy mô phạm ở trong đạo lại càng phải trang nghiêm và chuẩn mực nhiều hơn. Từ cách thức đi đứng, ăn nói và ứng xử phải luôn thể hiện phong thái nhẹ nhàng, uy nghi để làm nơi an bình, vững chắc cho người hậu học nương tựa. Chưa nói đến việc truyền trao tri thức, chỉ những biểu hiện trong cuộc sống của người thầy thông qua hành vi (thân giáo), lời nói (khẩu giáo) đã giúp ích rất nhiều cho hàng hậu học tinh tiến hơn trên bước đường học tập và trưởng dưỡng đạo đức. Vì thế, trọng trách của người thầy trong sự nghiệp giáo dục rất lớn lao, xứng đáng để cả thế gian này tôn quý.
Việc trao truyền tri thức và đạo lý cho thế hệ kế thừa là bổn phận của những người đi trước, cho nên bậc làm thầy phải biết hướng dẫn đệ tử có nghề nghiệp vững chắc, nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống để trở thành con người lương thiện hữu ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi hành động, lời nói và cách suy nghĩ của vị giáo sư đều là bài học thiết thực và quý giá, giúp người đệ tử dễ dàng tiếp nối được sự nghiệp trí tuệ mà các bậc tiền bối, Thánh nhân đã thành tựu. Quan trọng nhất, người thầy phải biết rõ căn tính và hoàn cảnh sống khác nhau của từng học trò để dạy dỗ. Cũng giống như các vị bác sĩ giỏi, khi hiểu rõ các triệu chứng của bệnh nhân thì tùy bệnh cho thuốc, nhằm chữa trị một cách hữu hiệu.


Thực ra, tâm nguyện các bậc làm thầy chân chính luôn luôn mong muốn dạy cho học trò của mình thành nghề, dạy dỗ nhanh chóng và không giấu nghề cố gắng truyền trao tất cả cho đệ tử. Cao cả hơn, bậc thầy luôn mong cho đệ tử nhận ra được nguyên lý vận hành tương giao tất yếu của thân tâm và thế giới, để từ đó người học trò có cái nhìn thâm sâu hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhằm chuyển hóa những phiền não khổ đau, tâm hồn trở nên sáng suốt và an bình trong từng giây từng phút. Tuy nhiên, hoài bão ấy vẫn còn tùy thuộc vào phước duyên của người học trò. Ví như khi cơn mưa đổ xuống mặt đất thì rất đồng đều, nhưng hấp thụ được bao nhiêu nước là tùy vào từng loại cây cối lớn nhỏ khác nhau. Do đó, tận tâm trao truyền tri thức và kinh nghiệm từ vị thầy là phần hết sức cần thiết, nhưng việc tiếp nhận của người học trò cũng không kém phần quan trọng. Và thực tế cho thấy rằng, không phải người học trò nào cũng ngoan hiền, dễ thương chăm chỉ học tập mà phần đông vẫn thích ham chơi và thờ ơ trong khi học hành, gây trở ngại khá lớn đến việc giảng dạy thành công của quý thầy cô.
Vị thầy có tâm và trách nhiệm thì sau khi dạy dỗ học trò thành tài, cần phải giới thiệu chỗ làm tốt. Một mặt để học trò có cơ hội cống hiến và phụng sự, mặt khác có thể kế tục sự nghiệp trồng người truyền trao tri thức cho đời sau. Nhất là, khi phát hiện được tài năng của học trò, vị thầy tốt cần gữi môn sinh của đến các bậc thiện tri thức, những trung tâm đào tạo chuyên sâu để tôi luyện và trở thành hiền tài, nguyên khí của quốc gia và cả nhân loại. Được như vậy, vị thầy mới làm tròn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp trồng người.
Để tình nghĩa thầy- trò được gắn bó, thân thương và trong sáng, nhằm đem lại hoa trái tốt đẹp làm lợi ích cho cuộc đời, thì đòi hỏi tâm ý người dạy cũng như kẻ học phải thực sự hiện hữu trọn vẹn với nhau. Khi trở về an trú trong phút giây hiện tại, các vị thầy sẽ dễ dàng thấu hiểu được những trạng thái tâm lý của các học trò, để từ đó việc hướng dẫn cho lớp học trở nên sinh động, hữu ích và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Bản thân người học trò cũng vậy, mỗi khi biết trở lại với chính mình, quan sát rõ ràng thân tâm và hoàn cảnh đương tại, thì sẽ học ra vô số bài học quý giá từ các vị thầy.

Viên Ngộ

Thứ Sáu, tháng 11 11, 2011

Cái nhìn

Vạn vật luôn biến chuyển
Nương tựa có trong nhau
Ẩn tàng hay biểu hiện
Tùy ở mỗi cái nhìn.


Viên Ngộ

Nghệ thuật uống trà!

Có nhiều người rất thích uống trà, từ những kẻ bình dân cho đến nhân sĩ trí thức đều biết phương cách uống trà. Tuy nhiên, uống trà như thế nào để thiết lập được sự truyền thông tốt đẹp giữa các thành viên trong một tổ chức, những người thân yêu trong gia đình hiểu nhau và thương yêu nhau nhiều hơn là vấn đề hết sức quan trọng, mà đòi hỏi mỗi người cần phải biết nghệ thuật của việc uống trà.
Thông thường, chúng ta uống trà chỉ vì quan hệ làm kinh tế hoặc ngồi lại bàn tán, bình phẩm những thông tin thời sự đó đây… chứ ta không có mặt thực sự để thưởng thức hương vị thơm ngon của trà, cũng như không tiếp xúc trọn vẹn với người bạn đang ngồi bên cạnh. Kinh nghiệm của người xưa cho thấy, nếu chúng ta uống trà với thái độ nôn nóng, hấp tấp và hờ hững với hiện tại thì chẳng có ít lợi gì cả, mà trái lại bỏ phí khá nhiều thì giờ vô bổ. Bởi thói quen của ta, mỗi khi ngồi lại bên nhau uống trà thì hay nói những câu chuyện mang tính chất lý luận hơn thua, dẫn đến việc tranh cãi và cuối cùng tạo ra sự xung đột, mất đoàn kết. Vì lẽ đó, nên chư vị cổ đức đã nhắc nhở chúng ta nhớ rằng: “Không được trên đơn xúm nhau bày trà, ngồi đêm, nói tạp”(Luật Sa Di và Sa Di Ni). Vì thế, chúng ta uống trà như thế nào để cho tâm hồn được lắng đọng yên tịnh, nhằm khai mở sự hiểu biết và tình thương yêu trong ta biểu hiện, thì cả một nghệ thuật lớn lao, mà tự mỗi người cần phải chiêm nghiệm.
Nghệ thuật là phương thức giàu tính sáng tạo và khế hợp với thực tại, mà bất cứ ngành nghề nào cũng cần biết đến. Ví như, một người bình thường muốn trở thành cầu thủ bóng đá xuất sắc, thì vị ấy phải biết những nguyên tắc, kỷ thuật trong việc luyện tập chơi bóng và cộng thêm phần nhạy bén sáng tạo của tự thân, người ấy sẽ dễ dàng đạt được kết quả tốt đẹp. Uống trà cũng vậy, đòi hỏi bạn phải có thái độ bình thản và thong dong trong khi thưởng thức trà. Nếu bạn thực sự để hết tâm tư vào tách trà đang uống, mà không suy tính những công chuyện khác thì ngay trong giây phút ấy bạn sẽ thấu hiểu được thế nào là nghệ thuật uống trà.
Ở các nước láng giềng như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Hoa, họ đều có những phong cách uống trà khá vững chãi. Đặc biệt ở Nhật Bản, đa số dân chúng của họ đều biết các kỷ thuật pha chế trà và thưởng thức trà với phong thái nhẹ nhàng và sâu lắng, nên được mệnh danh là Trà đạo. Tại Việt Nam của chúng ta, mặc dù chưa phát triển mô hình trà đạo, nhưng hầu hết mọi người dân ai ai cũng biết uống trà. Mỗi buổi sáng thức dậy, các vị ở độ tuổi trung niên trở lên thường uống một vài ấm trà nóng trước khi vác cuốc ra đồng hoặc lái xe đi làm việc. Đối với các nhà thơ, nhà văn và những người làm công việc sáng tạo văn hóa, nghệ thuật thì việc uống trà trở nên quá quen thuộc. Bởi khi nhâm nhi một vài tách trà sẽ giúp cho tâm trí họ tỉnh táo và sáng suốt hơn. Mặt khác, hương vị của trà thật nhẹ nhàng và dễ chịu, không chứa đựng các chất kích thích giống như bia hoặc rượu, nên tâm tư người thưởng thức trà rất dễ dàng trầm tĩnh và sâu lắng.
          Ở chốn Thiền môn, các vị xuất gia lấy trà làm bạn đạo. Bởi nếp sống ở trong chùa rất đơn giản; mỗi khi huynh đệ có cơ duyên hội ngộ bên nhau thì chỉ tiếp đãi bằng một vài ấm trà, để rồi cùng nhau thưởng thức và trao đổi những kinh nghiệm tu hành, cũng như chiêm nghiệm lại chính bản thân mình trong quá trình học đạo. Thỉnh thoảng giữa tình huynh đệ và thầy trò vẫn có những hiểu lầm hay buồn phiền lẫn nhau, nhưng khi ngồi lại bên nhau để uống trà và chia sẻ đạo lý thì yếu tố tiêu cực kia tự động được hóa giải một cách nhanh chóng. Đây chính là nghệ thuật xây dựng tình huynh đệ khá độc đáo, mà đòi hỏi trong khi uống trà, mỗi người cần phải có thái độ bình thản mới có thể thấy ra được sự thật ấy.
Qua những lần uống trà, người viết đã tùy hứng làm mấy vần thơ ngắn, để nói lên tâm trạng của mình như sau:
                    Uống trà
Thong dong mỗi tách trà
Tâm rỗng lặng bao la
Uống trà trong nắng sớm
Vườn tâm đầy hương hoa.
          Khi nâng chén trà lên uống, bạn phải rõ biết từng diễn biến đang xảy ra ở nơi thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại. Nghĩa là bạn tiếp xúc trọn vẹn với thực tại ở đây, mà không để cho tâm ý của mình rong ruỗi hay phiêu du một nơi nào khác. Khi tâm hồn tĩnh lặng và sáng tỏ thực sự, bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon của trà, đồng thời trạng thái an lạc, hạnh phúc cũng từ đây mà biểu hiện. Nếu bạn uống trà được như vậy, thì đó chính là đỉnh cao của nghệ thuật trà đạo.
Trong bối cảnh của xã hội ngày nay, đa phần con người bận rộn quá nhiều; bởi do áp lực từ công việc và học hành, nên ít ai có thì giờ rảnh rỗi ngồi yên để nhâm nhi một vài tách trà. Vì đáp ứng nhu cầu cuộc sống, cho nên từ sáng sớm thức dậy mãi đến chiều tối, tâm ý lúc nào cũng suy tính, lo toan và tất bật ngược xuôi trên mọi nẻo đường với mục đích là đem lại lợi ích cho đời sống. Do đó, nhiều lúc những người thân thương trong gia đình hiếm khi có cơ hội ngồi lại bên nhau để tâm tình, chia sẻ. Bởi ai cũng tranh thủ muốn kiếm cho thật nhiều tiền, để xây dựng nhà cửa khang trang và mua sắm nhiều tiện nghi sang trọng khác, nhằm đáp ứng mục tiêu mà con người hướng tới…
Mặc dù của cải vật chất đầy đủ và người ta mặc sức ăn chơi, hưởng thụ như thế. Nhưng, về phương diện tinh thần thì bất cứ ai cũng có thể gặp phải những bế tắc và bất an xảy ra trong cuộc sống, dù ít hay nhiều. Từ những chuyện trắc trở tình cảm giữa vợ đối với chồng, cha mẹ và con cái thiếu sự truyền thông với nhau, cũng như việc giảng dạy của các thầy cô giáo đối với những em sinh viên, học sinh vào thời đại ngày nay, cũng gặp khá nhiều vấn đề phức tạp và nan giải.
Để điều chỉnh nhận thức sai lầm và hóa giải những bế tắc trong cuộc sống, bạn cần phải thường trực trở về với chính mình. Mỗi ngày, bạn nên dành một ít thì giờ ngồi yên và lắng đọng tâm tư, để cho cơ thể được yên nghỉ sau một ngày lao động mệt nhọc. Cho dù ngồi bất cứ ở nơi đâu, bạn cũng có thể buông thư toàn thân và ghi nhận dòng diễn biến xảy ra ở thân tâm mình trong trạng thái sáng tỏ và tỉnh giác. Nhờ sự thực tập này, nên những căng thẳng, bất an được hóa giải một cách hữu hiệu, đem lại sự định tĩnh và sâu lắng cho tâm hồn. Bên cạnh đó, việc uống trà với trạng thái bình thản và thong dong cũng là vấn đề vô cùng quan trọng, bởi nó có khả năng giúp cho tâm trí bạn trở nên an tịnh và trong sáng.
Thực ra, nghệ thuật uống trà rất đơn giản, không quá nặng nề về các hình thức, nghi lễ… nhưng nó mang lại chất lượng tốt đẹp cho đời sống của bạn. Mỗi khi nâng tách trà lên uống, bạn chỉ cần để hết tâm ý vào tách trà và có mặt trọn vẹn với phút giây ấy, mà không tính toán hay nghĩ ngợi chuyện gì cả, thì đó chính là nội dung sâu sắc nhất của nghệ thuật uống trà.
Viên Ngộ 

Thứ Ba, tháng 11 08, 2011

Tâm sự với người mới xuất gia

                
           Sư em là người mới xuất gia, tuổi đời có thể lớn hơn tôi, nhưng theo nguyên tắc của đạo thì sư em vẫn là đệ của tôi thôi. Khi còn chung sống với gia đình, có thể sư em rất khôn ngoan, khéo léo và nhiều tài năng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Có thể sư em từng làm giáo viên dạy học hay là người bác sĩ tài giỏi hoặc làm giám đốc của một công ty lớn…Tuy có nhiều tài năng như vậy nhưng đối với việc học đạo thì sư em vẫn còn ngây ngô, khờ dại như một đứa bé.
Người mới xuất gia cũng giống như một em bé mới sinh ra vậy. Em bé cần phải tập bò, tập ngồi, đi đứng, ăn uống, nói năng, tập lắng nghe, tập nhìn v.v… Nhờ vào sự trau dồi đó, nên phong thái uy nghi của người xuất gia dần được định hình và toát lên trong nếp sống giản dị, thanh lương. Sư em đừng cho rằng, đi đứng nói năng là việc bình thường chẳng có gì quan trọng.
Tại vì sư em chưa hiểu đó thôi, chứ những việc bình thường như thế đôi khi chúng ta thực hành suốt cả cuộc đời vẫn chưa chắc đã xong. Bởi thường thì ta đi đứng, ăn uống, nói năng và hành xử chỉ theo thói quen. Mọi sinh hoạt hàng ngày hầu như ta đều thiếu sự chú tâm, không rõ biết từng cử chỉ, trạng thái hoạt động của thân tâm như thế nào cả, thậm chí những lúc niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền, lạy Phật… mà đôi khi ta cũng hờ hững và không trọn vẹn.
Hàng ngày, chúng ta thường sống trong ảo mộng và lãng quên thực tại nhiều hơn là trở về với chính mình. Thân ta ngồi ở đây, còn tâm thì bỏ thân đi đến một nơi khác. Thân đang ăn cơm, nhưng tâm cứ rong ruổi truy tìm về quá khứ hoặc lo lắng và mơ tưởng tới những gì ở tương lai. Tâm không có mặt với thân để tiếp xúc trọn vẹn từng miếng thức ăn, và tỏ lòng biết ơn đến muôn loài đã tạo ra thực phẩm cho ta dùng, nên trong mỗi bữa cơm thiếu vắng niềm hân hoan và trân quý.
Do đó, sư em chỉ cần thực tập ăn cơm cho đàng hoàng thôi cũng được gọi là tu hành rồi, chứ không hẳn phải chờ đợi đến khi tụng kinh hay niệm Phật. Người xuất gia ở trong chùa cũng làm mọi công việc giống như bao nhiêu người khác; vẫn nấu ăn, quét nhà, tưới cây, tắm giặt, rửa chén bát... Tuy nhiên, nhờ ta biết cách thực tập ngay trong khi làm, nên niềm an lạc luôn luôn có mặt.
Sư em phải biết rằng, khi mới tu học thì con người của mình còn nhiều tạp nhiễm, thô tháo như mảnh vườn hoang phế không có ai chăm sóc. Trong mảnh vườn tâm ấy có nhiều hạt giống lẫn lộn khác nhau. Biết cảm thông và chia sẻ niềm an vui với huynh đệ, lắng nghe và chấp nhận yếu kém của người khác để cùng nhau tinh tiến tu học, đó là những hạt giống thiện lành. Nhưng trong tâm tư của mình cũng có nhiều hạt giống tiêu cực như đố kỵ, giận hờn, trách móc, giải đãi, lười biếng, cống cao ngã mạn…
Những hạt giống tốt và xấu ấy đều có đầy đủ ở trong tâm. Khi tiếp xúc với những điều kiện tốt đẹp, công việc suôn sẻ, người đối diện dễ thương thì hạt giống thiện lành trong ta sinh trưởng. Còn khi gặp hoàn cảnh trái ý nghịch lòng thì tâm thức sẽ biểu hiện ra với mọi hành xử thô tháo và nặng nề. Đó là lẽ thường tình mà người vừa mới xuất gia chưa gạn lọc được tâm ý tạp nhiễm, nên dễ bị mắc phải.
Vì thế, sư em cần phải tìm hiểu, học hỏi các phương pháp để chăm sóc, nuôi dưỡng thân tâm tạo ra nhiều hoa trái dễ thương nhằm hiến tặng cho cuộc đời. Sư em nên biết rằng, trong tâm thức của mỗi người được ví như cái kho cất chứa đồ đạc, nó có khả năng tiếp nhận tất cả mọi thứ cho dù xấu hay tốt, khi ta đưa vào thì sẽ được lưu lại trong đó.
Cũng vậy, nếu sư em tùy tiện tiếp xúc với các loại âm thanh, phim ảnh, sách báo và chuyện trò có chứa đựng nội dung không lành mạnh thì một ngày nào đó, tâm hồn của sẽ đầy dẫy phiền não và khổ đau. Vì thế, sư em phải biết khéo léo học hỏi và chỉ tiếp nhận những gì cần thiết cho đời sống tu tập.
               
 
Bước đầu học đạo, sư em phải nhờ thầy hướng dẫn tuần tự từ thấp đến cao, chứ không nên tự ý thích học cái gì cũng được, nguy lắm! Bởi có những người mới vào chùa chưa học hỏi các phương pháp thực tập căn bản mà tùy tiện xem kinh sách rồi đem những tư tưởng ấy ra để đối chiếu với những ai tu tập chưa đúng như trong sách. Thế là họ khởi niệm chê trách, xem thường.
Trong khi đó bản thân người ấy chỉ mới học hỏi được một ít giáo lý thôi, chứ thời gian hành trì chưa tới đâu cả. Khi gặp những bế tắc, khó khăn xảy ra trong cuộc sống, họ không đủ khả năng để tháo gỡ và hóa giải. Trong tâm vẫn còn đầy dẫy những nhiễm ô tham muốn. Thế mà, khi họ trông thấy các vị khác đôi lúc có những sơ suất gì đó thì tỏ vẻ xem thường và cao ngạo. Có thể nói rằng, đây là căn bệnh khá nguy hiểm mà người mới bước đầu học đạo cần phải chiêm nghiệm, để tự ngăn ngừa.
Sư em mới xuất gia chưa được bao lâu thì phước đức vẫn còn mỏng manh và non kém. Vì vậy, những vật dụng của thường trụ Tam bảo sư em chỉ nên dùng đúng mức cho phép, chứ không nên tiêu xài một cách phung phí. Có những người vào chùa học đạo nhưng có lẽ chưa được thầy dạy rõ về nhân quả tội phước nên họ sử dụng của Tam bảo không đúng với nếp sống của người xuất gia.
Cũng có thể vì người ấy thiếu phước duyên, nên không gặp được bậc minh sư dạy bảo. Sư em phải biết rằng, người xuất gia muốn sớm thành tựu sự nghiệp giác ngộ giải thoát thì đời sống sinh hoạt hàng ngày phải thật đơn giản, gọi là “thiểu dục tri túc”. Bởi khi có quá nhiều tiện nghi sang trọng thì rất dễ dàng làm cho tâm bị vướng bận, gìn giữ và ích kỷ. Từ đó, ta không có nhiều thời gian để đầu tư vào việc học đạo.
Mỗi ngày sư em nên dành một ít thì giờ để ngồi yên và nhìn lại xem mọi hành động, nói năng và suy nghĩ của mình từ lúc mới vào chùa cho đến ngày nay đã chuyển hóa được gì chưa? Thân mình có đi đứng nhẹ nhàng và thận trọng hơn lúc trước không? Những lời mình nói ra, có thể hiện được sự nhẹ nhàng, thân thương và hòa nhã hơn trước không? Còn về sự hiểu biết và lòng thương yêu, mình đã phát huy được bao nhiêu rồi? Đó là những câu hỏi rất thiết thực, mà mỗi ngày chúng ta cần phải quán chiếu.
Để nuôi dưỡng cái tâm cao đẹp ban đầu và thắp sáng ngọn đèn trí tuệ thì mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của mình đều phảsi có sự định tĩnh và sáng suốt. Dù bất cứ làm việc gì, sư em cũng phải nhớ quan sát thân tâm và hoàn cảnh hiện tại một cách rõ ràng, trung thực với chính nó.
Rõ biết được những diễn biến đang xảy ra ở nơi thân tâm mình và mọi hoạt động chung quanh, đó chính là công phu tu tập đích thực của những người học Phật. Những lời chia sẻ này đã có sẵn ở trong kinh Tứ Niệm Xứ, sư em nên học hỏi và thực hành thì chắc chắn một ngày không xa sẽ thành tựu sự nghiệp giải thoát, đem lại niềm an lạc cho cuộc đời.
Được như vậy mới đúng với hoài bảo của người xuất gia cũng như đáp đền công ơn thầy tổ đã dày công giáo dưỡng và xứng đáng với lòng thành kính cúng dường của đàn na thí chủ mà mỗi ngày chúng ta đều thọ nhận.
Viên Ngộ      

Nhìn lại để thương!

                 
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta ít khi nhìn lại chính mình, để thấy rõ được những giá trị đích thực của sự sống, thương yêu bản thân mình và thương những người chung quanh. Bởi vì, tình thương là điều kiện tất yếu để đem lại hạnh phúc chân thực. Nếu đời sống mà thiếu vắng tình thương yêu thì sẽ trở nên khô khan, trơ trọi và không có ý nghĩa gì cho cuộc sống. Mà tình thương có mặt, là nhờ vào tuệ giác vốn có ở nơi mỗi chúng ta được phát khởi, và trí tuệ chỉ biểu hiện khi tâm trở về trọn vẹn với thân. Có lẽ, trí tuệ là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa an vui và hạnh phúc, cho nên vào đời nhà Trần có Tuệ Trung Thượng Sĩ, là người cư sĩ tại gia đã tu tập và ngộ đạo, nên vua Trần Thánh Tông đã gửi gắm thái tử Trần Khâm tới để học hỏi đạo lý, nhằm phát huy được trí tuệ. Đến ngày trở lại triều đình, Trần Khâm kính cẩn hỏi cốt lõi yếu chỉ của Thiền thì được Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy rằng: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc. (soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được - Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục).
Thật vậy, chúng ta chỉ cần nhìn lại thân tâm mình cho thật kỹ càng và tường tận thì sẽ thấy được vô vàn điều kiện để làm nên hạnh phúc. Tuệ Trung Thượng Sĩ khẳng định cho Trần Khâm biết rằng, cốt lõi của sự sống an vui và giải thoát, nó vốn có tại đây rồi, đừng chạy đi tìm kiếm ở một nơi nào khác mà vô ích. Câu nói trên tuy ngắn gọn, nhưng thật là thâm sâu, hàm chứa toàn bộ yếu chỉ của Thiền. Và nhờ lời dạy thâm sâu đó, nên sau này đã giúp cho vua Trần Nhân Tông thấu rõ được đạo lý nhà Phật, và về sau vua trở thành sơ tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Nhìn lại, trong tiếng pàli gọi là Ehipassiko. Có nghĩa là, hãy hồi đầu lại, hãy trở về đây mà thấy. Tức là, sự sống đích thực đang có mặt tại đây, ta hãy trở về sống trọn vẹn và thừa hưởng với những gì đang biểu hiện. Nhìn lại, là ta thấy rõ sự vận hành của thân tâm, cũng như hoàn cảnh đương tại. Nhìn lại, là trạng thái tâm ý tỉnh thức và trong sáng, không bị mê mờ hay dao động bởi ngoại cảnh. Mỗi khi tâm ý trở về trọn vẹn với tự thân, ta sẽ cảm nhận được những dòng dấy khởi từ thân tâm mình một cách rõ ràng. Nhờ biết rõ những hiện thực ấy, nên ta làm chủ được bản thân mình, và đồng thời không bị “cái ta” sai sử, chi phối.
Trong đời sống hằng ngày, ta thường quên nhìn lại chính mình, nhất là khi đi tới những nơi đông người. Khi đi chợ hay là vào siêu thị để mua sắm, ta dễ bị hoàn cảnh ở nơi đó thu hút. Những lúc ấy, ta không biết rõ là mình đang làm gì, mà chỉ hành xử theo thói quen của bản năng và quán tính. Trong mọi sinh hoạt cũng thế, ta thường bị “cái ta” điều động và làm theo như một công thức có sẵn. Khi ai nói một câu gì khó nghe thì lập tức cái ta xen vào để phản ứng, chia chẻ và phân tích đúng sai, hay dở, tốt xấu v.v… Lúc đó, ta không thấy rõ được sự vận hành của tâm ý như mình thế nào cả, nên không làm chủ được chính mình, từ đó ta nỗi giận la mắng người ấy hoặc dùng mọi thủ đoạn để buộc tội hay trừng phạt lại đối tượng đã làm cho mình khổ! Hiện trạng bực bội này, làm cho thân thể ta gồng cứng lên, những tế bào co rúm lại và khuôn mặt biến dạng đỏ phừng phừng hoặc tái nhạt đi, tim đập không đều, khó thở, máu huyết bị tắc nghẽn. Chúng ta thừa biết rằng, mỗi khi máu trong cơ thể không được lưu thông thì sẽ dẫn đến đủ thứ những căn bệnh phát sinh. Vì vậy, không hiểu rõ và làm chủ chính mình sẽ tác hại cho tự thân và những người xung quanh. Do đó, đối với bản thân mình ta không biết thương yêu, mà còn tạo ra đau khổ thì làm sao ta có thể thương yêu ai được? Thế thì, ta muốn thương yêu mọi người, trước hết phải biết thương lấy chính mình. Mà thương yêu bản thân mình thì phải có cái nhìn sâu sắc vào trong đời sống hằng ngày, để biết rằng, ta nên tiếp xúc và tiêu thụ những gì, nhằm đem lại sự lợi ích cho tự thân, và cho những người chung quanh.
Thực ra, khi trở về với chính mình,  ta sẽ học ra được rất nhiều kinh nghiệm; từ những nỗi khổ niềm đau, giận hờn, ghen ghét, sự phản ứng v.v… Tất cả những diễn biến ấy, đều là bài học quý giá cho ta cả, và đồng thời trí tuệ cũng được biểu hiện từ giây phút ấy. Có thể nói rằng, những người có tình thương lớn, là nhờ họ trải qua rất nhiều cay đắng trong cuộc đời, nên họ dễ dàng buông xả, thông cảm và thương yêu đối với mọi người xung quanh. Như những người cha, người mẹ hiền cũng vậy, sở dĩ các nhà văn, nhà thơ ca ngợi, diễn tả công lao của cha mẹ đối với con cái được ví như núi non, như trời biển … là vì cha mẹ chịu quá nhiều thiệt thòi, cực khổ, gian nan để nuôi dạy cho con cái của mình khôn lớn, mà không bao giờ tính toán hoặc đặt điều kiện gì với người con thân yêu của mình cả. Do đó, nên cha mẹ được xứng đáng cho những người con tôn thờ và kính ngưỡng. Thực ra, cũng nhờ có sự trải qua nhiều bài học đắng cay, gian khó như thế, nên giúp cho tình thương và sự kham nhẫn của người cha, người mẹ được lớn thêm lên. Vì thế, cái gì cũng có hai mặt của nó, tùy theo cách nhìn nhận ở nơi mỗi người mà có đúng hay là sai.
Do vậy, nhìn lại chính mình là vấn đề rất quan trọng cho đời sống của chúng ta. Có khi nào bạn ngồi yên và lắng lòng để nghe những tiếng nói thì thầm trong tâm mình chưa? Bạn đã từng nhận diện rõ ràng hơi thở vào và hơi thở ra từ ở nơi thân tâm mình hay không? Hơi thở như bà mẹ hiền, đã nuôi dưỡng cho bạn sống mấy mươi năm nay, nhưng có khi nào bạn quan tâm nhìn lại hơi thở và tỏ lòng biết ơn đến nó chưa? Hơi thở rất là quan trọng, bởi nó chỉ cần ngừng thở trong vòng một vài phút thì bao nhiêu sự nghiệp mà bạn gầy dựng được, kể như tiêu tan trong chốc lát. Thế mà chúng ta vô tình quên lãng và xem thường, đến khi nằm hấp hối trên giường bệnh thì lúc bấy giờ ta mới thấy sự hiện hữu của hơi thở cho đời sống của con người rất là quan trọng đến mức độ nào! Và khi đó, cho dù ta có tiếc nuối và hối hận gì chăng nữa thì cũng đã quá muộn màng!
Vì vậy cho nên, khi nhìn lại chính mình ta sẽ được tự do và bình an trước mọi xung đột, phức tạp xảy ra trong đời sống này. Mỗi khi tâm ta bình thản, tươi mát thì tình thương chân thực đồng thời cũng được biểu hiện. Nhờ đó, khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh éo le, tiêu cực xảy ra thì ta cũng dễ dàng buông xả và tha thứ cho những ai đang còn yếu kém, vụng về hay lầm lỡ! Trong tâm ta không còn ôm ấp nỗi hiềm hận hay oán ghét ai cả, bởi nhờ có cái nhìn trong sáng và thâm sâu vào thực tại đang là!
Viên Ngộ                                                                 

Thứ Năm, tháng 11 03, 2011

Biết chấp nhận nhau là hạnh phúc!


Mỗi một con người hiện hữu trên cõi đời này, ai cũng có cơ hội chung sống với những người thân yêu của mình, hoặc tiếp xúc và làm việc chung trong một cơ quan nào đó. Ta không thể sống tách rời mọi người xung quanh mà tồn tại được, cho dù ta có đầy đủ tiện nghi vật chất đến mấy chăng nữa, nhưng nếu thiếu vắng những người thân quen, đời sống sẽ trở nên trơ trọi, khô khan và vô vị! Khát vọng lớn nhất của con người là có được niềm an vui và hạnh phúc. Nhưng, để đáp ứng nhu cầu đó thì khi chung sống với nhau, đòi hỏi chúng ta phải hiểu được tính tình cũng như chấp nhận những yếu kém, vụng về của nhau mới có thể đem lại niềm hạnh phúc cho cả hai phía. Tuy nhiên, chấp nhận và sống hòa hợp bên nhau là cả một vấn đề rất lớn, mà mỗi người cần phải chiêm nghiệm và thường trực nhìn lại chính mình để thấy ra được sự thật ấy.
Trong tâm thức của mỗi người có hai đức tính căn bản, đó là thiện và bất thiện. Sở dĩ tính tình không được lương thiện là do tâm ý mê mờ và lãng quên thực tại. Vì không rõ biết mình đang làm gì, nên nói năng và hành động dễ dàng phạm phải sai lầm, tạo ra phiền não khổ đau cho bản thân mình và gây tổn thương đến cho mọi người chung quanh. Mặt khác, khi tâm ý bất tại thì việc hành xử với nhau sẽ thiếu vắng phong thái nhẹ nhàng, thân thương và hòa nhã. Từ đó, làm mất đi sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ đối với chồng, anh chị đối với người em v.v… Do đó, nếu tâm thức chưa được thắp sáng và ta không thấy rõ mọi hoạt dụng của thân tâm mình như thế nào thì bản tính lương thiện, hiền hòa và dễ mến trong ta không có cơ hội để biểu hiện. Và dĩ nhiên, đời sống sẽ trở nên lẻ loi, buồn tẻ, vì ít ai dám đến gần để trao đổi, tâm tình! Ngược lại, nếu biết vận dụng cái tâm chân thật, lương thiện để đối xử với nhau, ta sẽ được nhiều người thương mến và quý trọng. Từ đó, tạo niềm tin vững chắc cho mọi người tìm đến nương tựa, học hỏi cũng như chia sẻ với nhau những kinh nghiệm thăng trầm trong cuộc sống!
Đức tính hiền thiện là cái đẹp đẽ, trong sáng và dễ thương nhất vốn sẵn có nơi mỗi người. Ta chỉ cần lặng lẽ quan sát rõ ràng từng động dụng ở thân tâm mình thì phẩm chất thanh lương và tinh túy kia sẽ hiện hữu. Tâm lương thiện không chỉ là việc bố thí, giúp đỡ cho một ai đó qua cơn đói nghèo túng thiếu, mà mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ phải luôn luôn có sự định tĩnh và sáng suốt. Bởi vì, nếu tâm ý ta chưa thực sự yên tịnh và không thấy rõ được sự vận hành tương giao từ bản thân mình và cuộc đời này, thì mọi hành vi trong đời sống đều có thể bị lệ thuộc vào “cái tôi”, và chỉ để phục vụ cho nó mà ta cứ ngỡ rằng, đó là hành động của điều thiện. Vì thế, nên khi ta giúp đỡ cho một người nào đó có công ăn việc làm ổn định, nhưng họ không biết tri ân, ngợi khen mà còn biểu hiện thái độ xem thường và cao ngạo thì lập tức cái tôi kia sẽ phát khởi sự giận hờn, ghét bỏ hoặc trừng phạt đối tượng. Có phải vậy không?
Ngược lại, người phát huy được đức tính hiền thiện, trong sáng thật sự thì đời sống sẽ trở nên nhẹ nhàng an vui, phước báu ngày càng tăng trưởng và thọ mạng lâu dài. Mặt khác, người ấy có khả năng đóng góp những kinh nghiệm quý giá làm lợi ích cho cuộc đời, và đồng thời họ biết cách để sống tốt với những người chung quanh, mà không gây ảnh hưởng gì xấu đến bất cứ một ai. Còn đối với người tính tình nặng nề chấp thủ, vì tưởng rằng nhận thức của mình đúng đắn rồi, nên không chịu mở lòng để tiếp xúc, học hỏi những cái hay, cái đẹp cũng như sự trải nghiệm của người khác thì khi tiếp xử với nhau trở nên khắt khe, cục bộ và hạn hẹp.
Chúng ta thừa biết rằng, là một con người phàm phu thì ai cũng có những lầm lỡ, vụng về và yếu kém. Trong tâm thức người anh, người chị của mình luôn luôn có những đức tính dễ thương biết chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, ân cần chăm sóc khi người thân bị bệnh hoạn, tính tình hiền hòa dễ chịu và sẵn sàng tha thứ cho một ai đó phạm phải lỗi lầm. Tuy nhiên, người ấy vẫn còn nhiều thói hư tật xấu khác chưa được chuyển hóa như là: đố kị, dễ nỗi giận, tự ti mặc cảm, thiếu sự định tĩnh, suy nghĩ bồng bột... Từ những tiêu cực đó nên dẫn tới việc xung đột, bất hòa và cuối cùng đành phải chia lìa tình nghĩa anh em, vợ chồng và bè bạn! Vậy thì, người kia có những yếu kém và vụng về như thế, còn đối với bản thân mình chẳng lẽ không có phần tiêu cực đó hay sao? Nếu như ta không biết chấp nhận và tha thứ lầm lỡ cho người khác, làm sao người kia có thể chấp nhận phần yếu kém và thô thiển ở nơi mình?
Trong quan hệ giao tiếp với bạn bè hoặc người thân trong gia đình, có nhiều khi ta cũng giận hờn, bực bội và nói ra những lời nặng nề, chua chát cơ mà! Không những chỉ sử dụng bằng ngôn từ gay gắt, ta còn tỏ ra thái độ trách móc, sân hận qua ánh mắt, dáng đi và mọi biểu hiện khác nữa. Những hành vi ấy, đều có thể khiến cho người thân thương của mình chịu nhiều buồn tủi và đau khổ! Đó là sự thật, mà bất cứ người nào nếu như tâm trí không được bình lặng và trong sáng thì rất dễ dàng tạo ra hệ quả bất thiện.
Tuy nhiên, tâm lý tiêu cực không hẳn là thứ nhất thiết phải loại bỏ, mà đôi lúc nó rất cần thiết để cho chúng ta biết trở về và chiêm nghiệm lại chính mình. Bởi vì, thái độ bực bội và giận hờn của người kia sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về tính chất và tai hại của cơn giận. Từ đó, ta rút ra được bài học thiết thực quý giá, giúp ta có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc tháo gỡ bế tắc giữa bản thân mình và người khác, tạo nên sự hanh thông tốt đẹp và thăng hoa cuộc sống.
Thực ra, bạn không cần phải mong cầu đời sống của mình cứ mãi êm đềm. Bởi vì, những chướng ngại gian khó là điều kiện tất yếu để giúp cho bạn rèn luyện đức tính hy sinh, sự kham nhẫn và lòng thương yêu được tăng trưởng. Và sự thật của cuộc đời là như vậy, bạn không thể tìm ra ở một nơi nào đó mà không có những khó khăn tiêu cực, trừ khi tâm hồn bạn hoàn toàn vắng bóng bản ngã tham sân si.
Để thiết lập sự truyền thông, hầu mang lại nguồn an vui giữa những người thân yêu trong gia đình và dễ dàng chấp nhận thương mến nhau, việc trước tiên bạn phải thấu hiểu được chính bản thân mình. Mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ đều phải có sự định tĩnh và sáng suốt. Tâm không bị vướng kẹt vào những điều lệ, quy ước hoặc loại trừ, ghét bỏ bất cứ đối tượng nào, mà chỉ nhìn nhận bằng thái độ khách quan và trung thực với chính nó, bạn sẽ thấy ra quá trình diễn biến của thân tâm mình cũng như hoàn cảnh đương tại một cách rõ ràng và tường tận. Lúc bấy giờ tâm bạn vượt thoát mọi hệ lụy khổ đau, sống ung dung tự tại để làm lợi ích cho cuộc đời, đồng thời bạn có thái độ hành xử với mọi người xung quanh một cách nhẹ nhàng, thân thương và êm đẹp!
Viên Ngộ