Thứ Ba, tháng 12 21, 2010

Người bạn chân thật

      
                                         Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chấp tay đảnh lễ sáu phương.
     Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:
       Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chặn bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật.
       Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chặn những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật.
(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.539)

LỜI BÀN:
       Bạn bè ở đời có nhiều người và nhiều hạng. Vì thế nên người xưa đã từng khuyên chọn bạn mà chơi, chọn mặt để gữi vàng. Việc chọn lựa, tìm kiếm những người bạn hiền, chân thật để học hỏi và sẻ chia là điều cần thiết. Ai có nhiều bạn hiền, ắt hẵn người ấy có cơ hội gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
       Một người bạn chân thật, theo tuệ giác của Thế Tôn, phải thường xuyên khuyến khích và nhắc nhở cho ta những điều lợi ích cần phải thực hành để đem đến an vui. Người bạn chân thật thường thẳng thắn khuyên ngăn chúng ta trước những việc làm ác. Cuộc sống vốn nhiều biến động và vô vàn những ngang trái, éo le dễ làm cho con người manh tâm tham lam, thù hận. Nếu không kịp thời phản tỉnh trước những lời khuyên của bạn tốt thì chúng ta rất dễ dàng tạo ra những lầm lỗi. Không chỉ có thế, người bạn tốt còn khuyên ta làm các điều lành, tận tình chỉ bày cho ta những điều chưa biết và nhất là trao truyền những phương pháp thực tập chuyển hóa để sống an vui trong hiện tại và tăng trưởng phước báo ở vị lai.
       Một đặc điểm khác của những người bạn chân thật là luôn sẻ chia buồn vui với ta trong những lúc thành công hay thất bại. Nhờ bạn tốt nên lúc thành công, ta không quá đỗi tự hào và lúc gặp thất bại cũng không thối chí, gắng gượng vươn lên. Trước những lời thị phi ta đang gánh chịu, bạn tốt ra sức bảo vệ và trước những lời tán dương ca ngợi ta, bạn tốt luôn bày tỏ đồng quan điểm. Có được những người bạn với những đức tính như trên, chắc chắn họ là bạn hiền.
       Những ai có phước duyên gặp được bạn hiền như trên thì cần phải trân trọng, giữ gìn những tình cảm bạn bè tốt đẹp ấy để cùng nhau học tập, tu dưỡng đạo đức, sống hiền thiện, hạnh phúc và an vui.

Thích Quảng Tánh

Ngày lành tháng tốt


            Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi sáng tốt đẹp. Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi trưa tốt đẹp. Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.
       Này các Tỷ kheo:  Vầng sao lành, điều lành/Rạng đông lành, dậy lành/Sát na lành, thời lành/Cúng dường bậc Phạm hạnh/Thân nghiệp chánh, lời chánh/Ý nghiệp chánh, nguyện chánh/Làm các điều chơn chánh/Được lợi ích chơn chánh/Thì được lợi, an lạc/Lớn mạnh trong Phật giáo/Hãy không bệnh, an lạc/Cùng tất cả bà con.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Cát tường, phần Buổi sáng tốt đẹp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.540)

LỜI BÀN:
       Trong tâm thức người Á Đông nói chung và trong đó có không ít những Phật tử sơ cơ đều tín niệm về ngày giờ tốt xấu, cát hung. Vì thế những liên hệ về tuổi tác, ngày giờ tốt xấu để khởi sự công việc làm ăn hay bất cứ việc hệ trọng nào, đối với họ là một trong những mối quan tâm lớn, được ưu tiên hàng đầu.
      Chuyện có ngày tốt đích thực hay không đến nay vẫn là cảm nghiệm riêng của mỗi người. Thực sự thì không có ngày nào tốt cho tất cả mọi người, bởi có thể có ngày tốt đối với người này nhưng ngày ấy lại là ngày xấu đối với người kia. Chuyện hai người bán áo mưa và bán quạt ở cạnh nhau nhận xét về ngày tốt xấu là một điển hình. Vì ngày mưa sẽ tốt đối với người bán áo mưa nhưng không tốt với người bán quạt và ngược lại.
      Theo tuệ giác Thế Tôn, ngày nào chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp như suy nghĩ điều thiện, nói lời nói thiện và làm những việc thiện thì ngày đó chính là ngày tốt. Và như thế, ngày tốt phải do chúng ta tạo ra, làm nên chứ không phải do tạo hóa hay bất cứ sự vận hành nào tác thành. Vậy nên, thay vì tìm cầu chọn lựa ngày tốt từ bên ngoài, người con Phật chủ động tạo ngày tốt cho chính mình và mọi người bằng cách tịnh hóa tam nghiệp.
      Trong một ngày, nếu từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều và từ chiều đến tối mà ta không làm bất cứ điều gì sai trái, xấu ác đồng thời còn làm được nhiều điều tốt đẹp, lợi ích thì chắc chắn đó là một ngày tràn ngập hạnh phúc, an vui. Thì ra, ngày tốt vốn có hàng ngày và không cần nhờ cậy bất kỳ ai coi ngày, ta vẫn có được ngày tốt lành cho mình, nếu biết tu dưỡng và chuyển hóa thân tâm.

Thích Quảng Tánh

Thứ Sáu, tháng 12 03, 2010

Thân cận bạn tốt


                                         
                                 Một thời Thế Tôn trú ở núi Gijjhakùta, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ kheo, là người bạn cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu cận, dầu có bị xua đuổi. Thế nào là bảy?
Khả ái, khả ý; tôn trọng; đáng được bắt chước; nhà thuyết giả; kham nhẫn lời nói; nói lời sâu kín; không có hối thúc những điều không hợp lý.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo là người bạn, cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu hạ, dầu có bị xua đuổi.
Khả ái và đáng kính/Ðáng bắt chước, thuyết giả/Kham nhẫn các lời nói/Nói những lời thâm sâu/Không hối thúc ép buộc/Những điều không hợp lý/Ai có những pháp này/Ở đời, người như vậy/Người ấy là bạn hữu/Với ai cần bạn hữu/Người mong muốn lợi ích/Với lòng từ ai mẫn/Dầu có bị đuổi xua/Hãy thân cận bạn ấy.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Chư thiên, phần Bạn hữu [2], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.323)

LỜI BÀN:
Tục ngữ Việt Nam có câu “Học thầy không tày học bạn” để nói lên tầm quan trọng và ảnh hưởng từ những người bạn tốt. Có không ít người vươn lên thành công trong cuộc sống nhờ có duyên lành được bạn tốt dắt dìu, nâng đỡ. Tuy vậy, tìm được bạn tốt để kết thân, gần gũi và học hỏi, cùng nhau hướng thiện cũng không phải là điều dễ dàng.
Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, một người bạn tốt mà ta cần nương tựa để học hỏi, trước hết dung mạo phải dễ nhìn, tính cách hiền lành dễ thương. Kế đến, người bạn tốt luôn có những hành động và ứng xử đẹp đẽ khiến ta khâm phục. Không chỉ làm tốt mà người ấy còn nói hay. Những lời động viên chân thành, góp ý ngăn can hợp lý, chia sẻ đồng cảm sâu sắc có tác dụng đánh thức ta trước những cám dỗ, quyết định sai lầm. Người bạn tốt luôn biết nhẫn nhịn, không nóng nảy cộc cằn. Nhờ trầm tĩnh nên bạn rất sâu sắc và vững chãi trong cuộc sống. Bạn tốt là người có thể hơn ta về nhiều phương diện nhưng lại luôn tôn trọng, không hề chi phối mà chỉ trợ duyên soi sáng giúp ta tự quyết định lấy công việc của mình.
Những ai gặp được bạn hiền, hội đủ những tố chất tốt đẹp như trên là một phước báo lớn, cần nương tựa suốt đời để noi gương, học hỏi. Khoan nói đến việc bạn chỉ bảo cho ta điều gì mà chỉ cần được gần gũi, thân cận, thân thiết với người tốt thôi cũng đã có thật nhiều lợi ích. Năng lượng hiểu biết và yêu thương nơi bạn sẽ lan tỏa và thấm đẫm tâm ý chúng ta một cách nhẹ nhàng, khiến ta luôn bình an và tỉnh thức.
Trải lòng để học thầy, học bạn và học nơi tất cả mọi người trong cuộc sống xung quanh cùng với sự suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc, chắc chắn sẽ giúp chúng ta từng bước trưởng thành.

Thích Quảng Tánh