Thứ Năm, tháng 11 25, 2010

Xứng đáng là bạn tốt


 Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Tikandaki, gọi các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo không đáng được làm bạn. Thế nào là năm?
Bảo làm việc đồng áng; ưa thích kiện tụng; chống đối các Tỷ kheo lãnh đạo; sống đời sống không có mục đích; không có khả năng trình bày hoặc khích lệ làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp. Thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo không đáng được làm bạn.
       Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo đáng làm một người bạn. Thế nào là năm? Không bảo làm việc đồng áng; không ưa thích kiện tụng; không chống đối các Tỷ kheo lãnh đạo; không sống đời sống không có mục đích; có khả năng trình bày hoặc khích lệ làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Tikandaki, phần Người bạn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.589)

LỜI BÀN:
   Trong đời sống Tăng đoàn, thầy và bạn là những nhân tố cực kỳ quan trọng góp phần tác thành nên phạm hạnh và tuệ giác cho mỗi vị Tỷ kheo. Đặc biệt là những người bạn đồng tu, vì sống chung nên có những ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến nhân cách và phạm hạnh lẫn nhau cũng như về các phương diện khác.
   Theo tuệ giác của Thế Tôn, một người bạn đồng tu đúng nghĩa, trước hết phải là người dồn hết thời gian cho tu tập, không xu hướng đến những công việc mưu sinh của thế tục như công việc đồng áng, sản xuất, kinh doanh… Bởi lẽ ảnh hưởng những tư duy hướng ngoại sẽ làm tán tâm, tăng trưởng tham ái, dục vọng.
   Tiếp đến, người bạn tốt là người biết nhẫn nhịn, không chấp chặt, luôn hỷ xả. Những vướng mắc phát sinh trong đời sống xuất gia phải được giải quyết trong tinh thần lục hòa. Vận dụng hiểu biết và thương yêu để thiết lập hòa hợp, không tranh chấp, kiện tụng là phẩm chất quý giá của người thiện hữu tri thức.
   Điều cần yếu trong tu tập là phải biết kính trên nhường dưới, đặc biệt là phụng mạng đối với các bậc tôn túc. Sự phục tùng, không chống đối các Tỷ kheo lãnh đạo thể hiện sự khiêm cung, cầu tiến. Kính thuận sư trưởng là một phẩm chất cao quý của người học đạo đồng thời là gương sáng cho bằng hữu học tập, noi theo.
   Mục đích của người xuất gia là hướng đến giải thoát. Vì thế, nếu không xác định và duy trì được mục đích cao cả ấy trong đời sống xuất gia thì rất nguy hại. Người sống lây lất, qua ngày đoạn tháng, không có mục đích chỉ là gánh nặng và di hoạ cho đại chúng, có thể dẫn đến thối đọa. Do vậy, muốn giữ vững chí nguyện xuất trần cần phải chọn bạn là người luôn hướng về giải thoát.
   Sống theo pháp và nỗ lực hoằng truyền chánh pháp là phận sự của Tỷ kheo. Người bạn đồng tu tốt luôn quan tâm đến sự thịnh suy của giáo pháp đồng thời luôn hoan hỷ, tán thán với việc bố thí pháp. Chính công hạnh này sẽ làm động lực trợ duyên cho pháp lữ dấn thân hoằng pháp vì lợi ích quần sanh.
   Chọn bạn tu tốt để nương tựa là điều cần yếu trong tu tập. Mặt khác, chính tự thân mỗi vị Tỷ kheo phải nỗ lực hoàn thiện mình để xứng đáng là bậc thiện hữu cho đại chúng nương tựa.

Thích Quảng Tánh

Thứ Hai, tháng 11 22, 2010

Cuộc sống thanh bình và êm ấm!


Thứ Sáu, tháng 11 19, 2010

Nói lời xin lỗi!

Thích Nữ Phong Vị                       

    
           Tôi là một kế toán trưởng có uy tín, làm việc ở công ty. Tính tình ít nói, rất thương vợ và con trai, họ là tài sản quí báu nhất của tôi hiện giờ. Có một việc đáng nhớ xảy ra trong đời tôi, hơn hai mươi năm về trước. Hôm đó, tan sở về nhà, tôi bước vào phòng cùng với lời chào mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, đứa con trai đang học đại học hỏi liền “Ba đã làm mất mặt con bằng cách theo dõi, điều tra qua số điện thoại, qua người quen biết phải không ?”. Nghe xong, tôi rất bực tức khi hai mẹ con nhìn tôi bằng ánh mắt nghờ vực, thiếu hiểu biết ... tôi không trả lời, vào phòng đóng sập cánh cửa một tiếng lớn, không ăn uống gì cả. Hôm sau, tôi cũng không muốn nhắc chuyện đó và tôi cố quên đi…. Thế là, tình cảm giữa tôi và con trai cứ phai mờ theo năm tháng.
Hai mươi năm trôi qua, tôi rất ít nói chuyện với con trai, tưởng chừng như tất cả chìm vào dĩ vãng, không ngờ đến một ngày nọ khiến tôi không thể nào quên: Hôm đó, cả gia đình đứa con trai năm nào đã làm cho tôi khổ, nó trở về thăm tôi. Thằng nhóc, cháu nội của tôi nó đã lớn, với độ tuổi là thiếu niên. Và hôm đó, tôi chứng kiến sự bực bội của cháu nội tôi, qua những lời lẽ khó chịu với ba của nó rằng; “Ba đã làm mất mặt con bằng cách theo dõi, điều tra qua số điện thoại, qua người quen biết phải không?”. Cũng như câu nói đó, ngày xưa con trai tôi đã ban tặng tôi như vậy. Lúc đó, con trai tôi bực tức quá không chịu nỗi, nên đã nói ra đủ thứ ngôn từ trách móc và buộc tội đứa cháu nội. Cơn thịnh nộ đó vừa nguôi, con trai tôi im lặng một hồi rồi nhìn vào mắt tôi. Con trai tôi ngập ngừng và thốt từng tiếng trong xúc động, trong sự hối hận : con xin lỗi ba! Tôi cũng vậy, thốt ra từng lời nghẹn ngào: ba cũng xin lỗi con! Thế là, cả hai cha con chúng tôi ôm nhau trong sự xúc động không nói nên lời!
Ba xin lỗi con: vì lòng tự trọng, tự ái của người cha không thể hạ mình xin lỗi con; ông ta nghĩ rằng im lặng là cách tốt nhất cho gia đình êm xuôi để tự con nhận biết. Nhưng không ngờ vô tình để cho sự cảm thông, hiểu biết và thương yêu nằm chìm, bao bọc trong lạnh nhạt tạo khoảng cách xa dần cha – con và để con chịu hậu quả như vậy.
Con xin lỗi ba: con có thể minh bạch việc làm của mình bằng thời gian hay nhiều cách dễ thương hơn thay vì con chỉ biết mình bị xúc phạm, mất danh dự…vội vàng không chấp nhận hoàn cảnh, hành động của ba, kết quả hiện tại như gáo nước lạnh tạt vào mặt tự ái, bản ngã của con.
Sau lời nói xin lỗi chân tình đó, là dòng suối mát của tình thương, khiêm hạ, nhẫn nhịn,… tuôn chảy như thác đổ, cuốn trôi những nóng bức, lạnh nhạt của giận hờn, trách móc, ích kỷ, hẹp hòi … của tâm tham, sân làm thỏa mãn cho cái ta cái của ta, để nhường lại cho sự cảm thông, yêu thương, hòa hợp … của vô ngã, vị tha hiển hiện thật ấm áp, trong lành cho thế gian luôn sống trong hạnh phúc, hòa bình.  
Tiếc thay, trong giao tiếp chúng ta thường mạnh dạn để; thổ lộ, lấy cảm tình, phân tích, làm sáng tỏ lỗi người khác nhưng thường yếu đuối trong câu xin lỗi nhìn nhận và chịu trách nhiệm lỗi lầm của mình.
Tại sao ta không thể nói lời xin lỗi để cho các pháp lành; tình thương, khiêm hạ, nhẫn nhịn… tràn vào cuốn trôi danh dự, uy tín mà từ lâu ta cố công dàn dựng? Và cũng là chất liệu thương yêu để hàn gắn, nối kết lại những rạn nứt trong tình cảm con người, tạo thành những thông điệp ấm áp của trái tim, tình thương chan hòa cho xã hội hiện thực ngày nay đang trong cơn khủng hoảng, dao động, bấp bênh?
          Lời xin lỗi, có khả năng giúp cho ta truyền thông tốt với những người chung quanh, tạo ra sự cảm thông, thân thương, tốt đẹp giữa mình và mọi người. Nhiều khi, có ai đó khuyên bảo ta tới xin lỗi với người nào đó, ta vội vàng tìm đến đối tượng kia để mở lời xin lỗi, hay làm hành động cụ thể gì đó để tạ lỗi; lịch sự, ý thức trách nhiệm… Như vậy, lời xin lỗi có động cơ, mục đích, điều kiện, không khác gì ta đang khẩn trương tìm cách bù đắp cảm xúc tốt cho đối tượng; vì ta đã lỡ mang đến cho họ cảm xúc xấu, với mong muốn họ đừng giận mà làm mất giá trị hay giảm đi nhịp cầu thông cảm giữa hai phía.
Vì vậy cho nên, những điều không như ý cũng chính là thước đo giá trị con người qua lời nói xin lỗi, và mức độ giá trị của lời nói xin lỗi phụ thuộc vào rất nhiều từ tâm mà ra, nó có khả năng sức mạnh để mở ra cánh cửa an vui hạnh phúc cho các pháp thiện lành sinh trưởng, nhằm đem lại sự an bình, tươi mát cho thế gian, vũ trụ bao la này.   

Thứ Sáu, tháng 11 12, 2010

Lành thay!

Lành thay bậc xuất gia
Từ giã mẹ và cha
Cắt ái ân ràng buộc
Nương vũ trụ làm nhà.


Thứ Bảy, tháng 11 06, 2010

Thắp sáng đèn trí tuệ

  
  Thắp sáng đèn trí tuệ
       Tỏa chiếu khắp thế gian
        Thấy rõ ràng muôn pháp
       Thôi tìm kiếm Niết Bàn.

Đèn trí tuệ sáng soi
Vạn vật đều tỏ rạng
          Như người mù được sáng
     Thật quý hơn bạc vàng.



Viên Ngộ

Thứ Hai, tháng 11 01, 2010

Hạnh phúc bên tách trà.



Trước khi tôi đặt bút xuống, tôi không biết phải bắt nguồn từ đâu; để diễn tả một cái gì và suy nghĩ ra sao. Rồi cứ do dự, nên tôi buông thư theo dõi hơi thở vào, và ý thức sáng tỏ là tôi đang thở vào, thở ra ý thức tôi đang thở ra. Tôi nhận diện các cảm thọ sinh khởi, hay nói cách khác, là một tiến trình diễn biến Tâm- Sinh lý của một cá thể.
Thật vậy, trong khi nhận diện đơn thuần các cảm thọ của tự  thân, tôi mới thấy được sự thay đổi vô thường hay biến thiên của những dòng cảm xúc đi ngang qua ý thức nội tại “bây giờ và ở đây”, để nuôi lớn được sự sống mầu nhiệm của cuộc đời trao tặng. Tôi đã để mất quá nhiều thì giờ trong sự tìm tòi sách vở, văn cú cho nhiều mà chẳng áp dụng được gì cả. Khi tiếp xúc được với sự sống, thì những cái đẹp, cái hay bắt đầu biểu hiện. Mỗi khi hai tay tiếp xúc được với ly trà, tôi chỉ cần nhận diện rõ và đưa năng lượng chánh niệm vào, thì ly trà không là ly trà nữa mà nó là tất cả. Tại vì, sự sống đã có mặt ở hiện tại, mà tôi đã thất niệm hay ngủ quên trong sự tìm tòi và học hỏi, để rồi không mang lại giá trị thiết thực cho tự thân.
     Khi trở về với hiện tại, nó làm thay đổi cuộc đời của tôi, bởi có cái nhìn tuệ giác trong giây phút mầu nhiệm hiện tiền. Tôi trân quý từng giây, từng phút; vì tôi đã bỏ phí quá nhiều thì giờ vào lý luận, trách móc, buồn phiền và ghen tị. Và tôi đã hóa thành một con tằm, một con nhộng chỉ có chức năng làm ra tơ để quấn lấy mình vào trong khuôn khổ và bế tắc.
Chính vì vậy, tôi đã  được các sư anh soi sáng, và nhờ năng lượng chánh niệm đã giúp tôi thoát ra khỏi bóng tối của vô minh, thèm khát. Vì vậy, tôi mới có cơ hội tìm lại chính mình; để đi tới  người anh, người em, người chị được nối kết bằng hơi thở, và hóa giải những thành trì kiên cố của giận hờn và cố chấp. Những kiến thức, chữ nghĩa nó làm ngưng trệ cái hiểu biết trong sáng vốn có trong tôi. Chính vì thế, trong đời sống tôi thiếu sự truyền thông với những người xung quanh, và không tiếp xúc được sự sống. Thực ra, tôi chỉ cần đưa tay ra, biết đưa tay ra, nâng tách trà lên uống, thì biết mình đang uống, là đầy đủ hạnh phúc lắm rồi, đâu cần tìm kiếm gì nữa. Thế mà tôi lại có gắng để đi tìm hạnh phúc trong sách vở, chữ nghĩa.
Trong khi viết bài này, tôi có rất nhiều hạnh phúc; bởi đây là điều kiện có mặt nơi tự thân, chỉ cần nhìn vào sự sống của giây phút hiện tại, là đã nói lên tất cả sự mầu nhiệm mà cuộc đời đã trao tặng. Tôi đâu cần chạy đi tìm kiếm ở đâu cho xa xôi và miệt mõi, chỉ cần nhận diện rõ những gì đang xảy ra trong hiện tại thôi là hạnh phút sẽ có mặt.

Thích Nguyên An