Thứ Năm, tháng 12 27, 2012

Niệm Phật

Niệm Phật là một trong những pháp môn tu tập có công năng chuyển hóa phiền não khổ đau, đem lại niềm an vui giải thoát cho tự thân và cho cả cuộc đời. Tuy nhiên, để đạt được điều này không phải ai cũng có thể thành tựu được một cách dễ dàng như ý, mà đòi hỏi hành giả phải thấu hiểu nội dung của việc niệm Phật và ứng dụng đúng mức mới đem lại kết quả viên mãn.
Niệm Phật, tất nhiên, không chỉ đơn thuần là trì niệm danh hiệu của một vị Phật nào đó, mà còn phải làm cho tính Phật (từ bi và trí tuệ) trong ta có mặt trong đời sống. Nếu một hành giảtu niệm Phật mà thấy lòng mình vẫn còn nhiều buồn giận, đố kỵ, tranh cãi và bất an thì sự hành trì ấy chưa thể hiện đúng nội dung của pháp môn Niệm Phật. Bởi vì, Phật có nghĩa là tỉnh thức, là giác ngộ, không còn tham sân si chi phối, nhiễu hại. Do đó, người niệm Phật cũng phải thiết lập một nếp sống tỉnh thức, biểu hiện cụ thể các đức tính như hiểu biết, thương yêu, cảm thông, tha thứ,giúp đỡ, dễ chịu… có mặt ngay nơi sự sinh hoạt hàng ngày. Người ấy sẽ không khởi tâm oán trách, đổ lỗi hoặc xa lánh ai cả, trái lại họ dễ dàng chấp nhận lắng nghe để hiểu và thương yêu!
Cảm hóa sariputta
Sống tỉnh thức, tức là thân tâm bạn có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, không ảo tưởng tới tương lai và cũng không vướng kẹt vào quá khứ hay hiện tại. Bởi vì, chữ niệm theo phép chiết tự gồm chữ tâm và chữ kim có nghĩa là cái tâm có mặt hoàn toàn ngay tại đây và bây giờ chứ không phải ở một nơi nào khác. Do đó, niệm Phật chính là trở về sống trọn vẹn với chính mình ngay nơi đương tại.
Thói thường, tâm ý của chúng ta hay lăng xăng tìm cầu, nghĩ ngợi miên man về những chuyện quá khứ và mơ tưởngđến tương lai, ít khi chịu dừng lại quan sát thân tâm mình để biết được những ý nghĩ nào tốt đẹp cần nên phát huy, và tư tưởng nào bất thiện cần phải chuyển hóa. Vì khi có ý niệm xấu ác phát sinh, nếu bạn thiếu sự định tĩnh và tâm không sáng suốt, thì đương nhiên sẽ dễ dàng tạo ra lời nói và hành động gây khổ đau cho bản thân và ảnh hưởng không nhỏ đến với những người chung quanh. Chính vì tâm ý có công năng làm chủ, điều phối lời nói và hành động nên Đức Thế Tôn dạy rằng:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo”.
(Kinh Pháp cú, 1)
Thật rõ ràng, lời nói và hành động chỉ thực hiện khi có ý thức xen vào lãnh đạo, điều khiển. Nếu với ý nghĩ bất thiện, nhiễm ô thì hệ quả chắc chắn sẽ có mặt ngay sau đó, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe. Vì vậy, nếu chúng ta muốn cho tâm ý mình trở nên an ổn thanh tịnh; sử dụng được những lời nói thanh tao hòa nhã để tiếp xử với mọi người; tạo nên một nếp sống an vui hạnh phúc thì bạn phải nhận diện, điều phục và làm chủ được tâm ý mình.
Để thực hiện được điều này, trước hết bạn cần phải tìm chọn một pháp môn nào đó thích hợp để tu niệm. Ở đây, niệm Phật là một trong những pháp môn thù thắng, vi diệu mà Đức Thế Tôn đã từng giảng dạy rằng: “Có một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ,Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”. (Tăng chi bộ I, tr.64).
a94
Như đã trình bày ở trên, niệm Phật chính là thân tâm trọn vẹn với thực tại đang là, hay nói cách khác, tâm bạn thường trực tỉnh thức trong mỗi hành động, lời nói và sự suy nghĩ của mình. Vì tâm ý ta thường hay vọng niệm, tạp niệm và thất niệm cho nên mục đích của việc niệm Phật là làm cho tâm trở nên chánh niệm và tỉnh thức. Nếu trong khi bạn trì niệm danh hiệu Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Dược Sư hoặc Phật A Di Đà, nhưng tâm ý không có mặt trọn vẹn với câu danh hiệu ấy, thì kể như bạn chưa thực hànhđúng pháp môn niệm Phật như lời Thế Tôn đã dạy. Không chỉ đối tượng quán niệm là danh hiệu Đức Phật mà kể cả niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Hơi thở ra, Hơi thở vô v.v… vẫn đòi hỏi tâm bạn hoàn toàn tỉnh thức trọn vẹn với các đối tượng ấy trong đương tại. Tâm ý và đối tượng quán niệm không còn là hai thực tại riêng biệt; trong niệm chỉ có niệm, trong hơi thở chỉ là hơi thở, không có cái ta đứng ngoài kiểm duyệt, thêm bớt và mong cầu một mục đích nào cả, cho nên Thế Tôn gọi là nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết-bàn. Như vậy, niệm Phật chính là buông cái bản ngã ra để cho tánh biết (Di Đà) biểu hiện, hay nói cách khác khi bản ngã chết đi thì cõi Tịnh độ hiện tiền.
Có không ít người trì niệm danh hiệu Nam-mô A Di Đà Phật và đã đạt được trạng thái nhất tâm bất loạn; tạo dựng một nếp sống thanh lương an lạc, có khả năng làm chủ đời mình trong giây phút lâm chung và dễ dàng sinh về cảnh giới an lành tương ứng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh cuộc sống phải lo toan, bận rộn trăm công ngàn việc nên đại đa sốngười vẫn thiếu chuyên cần tu niệm. Thậm chí, có những người hứa hẹn vào một ngày kia sau khi hoàn tất mọi công việc sẽ tinh tấn tu tập cũng chưa muộn. Vì nhận định sai lầm như thế, nên khi gặp phải những chuyện không may xảy ra thì họ không đủ sự bình tĩnh và sáng suốt để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Thực ra, trong khi tu tập là đã tạo cho mình một nếp sống thanh lương cao đẹp rồi, nếu bạn hứa hẹn sau này rảnh rang mới bắt đầu tu niệm tức là đã từ chối hạnh phúc mà bạn đang có. Trong khi đó, mạng sống của con người vốn vô thường và ngắn ngủi, còn công việc thì muôn thủa, biết chừng nào chúng ta mới làm xong?
Thực chất, niềm an lạc giải thoát chỉ biểu hiện khi tâm hồn ta thực sự an tịnh và sáng suốt. Nếu dòng tâm ý cứmãi lao xao, vọng động thì tánh biết chân thật sẽ bị vô minh che lấp, và nhưthế, dù miệng bạn có lẩm bẩm trì niệm danh hiệu Đức Phật, nhưng trong thực tếtâm bạn vẫn chưa hiện hữu trọn vẹn từ đầu câu cho đến cuối câu danh hiệu ấy. Trong khi đó, niệm Phật chính là một cái tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng (vô lượng quang), và tuệ giác thường trực soi chiếu không gián đoạn (vô lượng thọ).Với một người đã chấm dứt tham sân si, sống trọn vẹn với thực tại đang là, thì những việc làm của họ đều đem lợi ích an vui cho tất cả mọi loài chúng sinh không thể nghĩ bàn (vô lượng công đức).
Thực tế cho thấy trong xã hội ngày nay, con người phải đối diện với rất nhiều vấn đề khó khăn phức tạp; từ việc học hành, tìm kiếm công ăn việc làm, chuyện gia đình chồng con, bệnh tật, khủng hoảng kinh tế, vật giá leo thang… khiến cho tâm trí con người trở nên rối ren căng thẳng và dẫn đến triệu chứng stress trầm cảm nặng nề. Mặc dù họ sống ở phốthị có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, vật chất sung mãn nhưng các điều kiện ấy không đủ khả năng để trị liệu và chuyển hóa cơn giận, nỗi buồn, sự bế tắc ở cõi lòng. Nhưng may mắn thay! Trong số đông đó, vẫn có không ít người biết tìm đến cửa Phật để học hỏi đạo lý, tụng kinh niệm Phật, tọa thiền, làm phước… nhờ vậy, nên tâm trí của họ dần dần được khai thông tỏ rạng, tạo dựng một nếp sống lành mạnh an vui.
Thực ra, trong tâm của mỗi ngườiđều có sẵn Phật tính và chúng ta tu niệm là làm cho đức tính cao quý ấy được biểu hiện. Và một trong những điều kiện để Phật tính hay tuệ giác hiện hữu chính là thực hành chánh niệm và tỉnh thức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bởi vì, việc tu hành không phải chỉ giới hạn trong lúc trì danh niệm Phật, tụng kinh, tọa thiền mà kể cả quán niệm trong khi đi đứng, nằm ngồi, lái xe, bổ củi, quét nhà, nấu cơm, tắm giặt, chải tóc, soi gương v.v… ta đều phải rõ biết tiến trình vận hành sinh diệt của chúng. Việc quan sát này giúp cho bạn có sự trầm tĩnh và sáng suốt, làm chủ được bản thân mình trong mọi lúc mọi nơi, tạo dựng một đời sống an lạc hạnh phúc, và sự hành trì này chính là công phu niệm Phậtđích thực của những người tu học theo đạo giải thoát mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy.
 
Viên Ngộ

Thứ Hai, tháng 7 23, 2012

Cẩn trọng

Cẩn trọng từng bước đi,
Xả bỏ mọi thị phi
Lòng an nhiên tự tại
Hạnh phúc bất tư nghì.

Thứ Ba, tháng 7 10, 2012

Phim Từ thiện Lagi - Bình Thuận


Thứ Sáu, tháng 7 06, 2012

phước huệ song tu - HT Thích Quang Đạo


Chủ Nhật, tháng 5 13, 2012

Người con hiếu thảo


Hiếu thảo đối với cha mẹ là một trong những chuẩn mực đạo đức căn bản của con người. Phụng dưỡng mẹ cha là lẽ đương nhiên, bạn không cần phải hỏi tại sao hay đặt điều kiện gì cả. Bởi công ơn của cha mẹ đối với con cái quá bao la và sâu nặng, không thể nào tính kể cho hết được.
Vì lẽ đó, đức Thế Tôn dạy rằng: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai ? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, xoa gội, tắm rửa và dầu tại đấy cha mẹ có đại tiểu tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi dưỡng chúng khôn lớn, giới thiệu chúng vào đời này”(Kinh Tăng Chi Bộ I).
Thật vậy, chúng ta hiện hữu trên cõi đời bắt đầu từ sự thương yêu kết hợp của cha mẹ mà hình thành. Trải qua mười tháng cưu mang nặng nhọc, rồi đau đớn khi sinh nở và nhiều năm tháng nuôi dạy con đến trưởng thành, bổn phận làm cha mẹ phải cam chịu không biết bao nhiêu khó nhọc, vất vả. Tình thương yêu của cha mẹ dành cho con hoàn toàn không có điều kiện, miễn sao con được mạnh khỏe ngoan hiền là cha mẹ thỏa nguyện, an lòng. Vì lẽ đó, ân đức của cha mẹ được ví như núi cao, biển rộng… Cha mẹ đã hi sinh lớn lao cho con như thế, nên đức Thế Tôn dạy dù cho con cái phụng dưỡng và hầu hạ mẹ cha suốt cả cuộc đời, vẫn chưa thể đền đáp được ân đức cao vời ấy.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đem hết cả tấm lòng chân thật của mình để phụng dưỡng cho cha mẹ thì vẫn được gọi là người con hiếu thảo. Lòng chân thật phải được biểu hiện cụ thể trong đời sống hàng ngày; mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của mình đều luôn luôn dựa trên cái tâm định tĩnh và sáng suốt. Khi tâm hồn yên tịnh và trong sáng thực sự, thì việc hiếu dưỡng cho cha mẹ sẽ trở nên thành tựu một cách trọn vẹn.
Thực ra, món quà hiếu thảo lớn nhất để dâng lên cha mẹ chính là người con biết tạo dựng một nếp sống có đạo đức, có văn hóa; biết kính trên nhường dưới, sống hòa thuận với mọi người chung quanh và thân tâm được an lành mạnh khỏe, chứ không hẳn chỉ đem của ngon vật lạ dâng hiến cho mẹ cha. Bởi khi thấy con cái của mình an ổn vui vẻ thì mẹ cha mới thực sự yên lòng. Ngược lại, con cái thiếu căn bản đạo đức và văn hóa, không biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, xem nhẹ tình nghĩa anh em thì mặc dù người con ấy có cung phụng đầy đủ tiện nghi vật chất đến mấy chăng nữa, cũng vẫn xem là người không hiếu thảo. Do đó, việc hiếu kính đối với cha mẹ cần phải được học hỏi và quán chiếu trong từng hành động, lời nói và cách suy nghĩ của mình, để sống đúng với luân lí đạo đức làm người.
Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật dạy: “Này gia chủ, có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ: Được nuôi dưỡng, con sẽ phụng dưỡng cha mẹ; con sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ; con sẽ giữ gìn gia đình và truyền thống; con bảo vệ tài sản thừa tự; con sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.
Này gia chủ, được con phụng dưỡng theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con cũng theo năm cách: Ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp; dựng vợ, gả chồng xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.
Này gia chủ, cha mẹ được con phụng dưỡng và cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách như vậy, gia đình sẽ an ổn, thoát khỏi các sự sợ hãi” (Kinh Trường Bộ II). Như vậy, ngoài bổn phận người con phải hiếu thảo, kính thờ thì các bậc cha mẹ phải chu toàn trách nhiệm của mình mới có thể xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn có những bậc cha mẹ chưa tròn bổn phận, vì nghiệp lực chi phối nên họ chỉ biết nghĩ đến bản thân, không mẫu mực đạo đức để con cháu noi theo, và đôi khi lại còn gây ảnh hưởng không nhỏ cho con cháu. Trong trường hợp này, Đức Thế Tôn chỉ dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha” (Kinh Tăng Chi Bộ I).
Đã là con người thì bất cứ ai cũng có nghiệp lực riêng. Người thì tham danh lợi, kẻ ưa thích sắc đẹp, bạc tiền, v.v… Tuy nhiên, nghiệp vẫn có thể chuyển hóa và thay đổi tùy theo mức độ tu tập của mỗi người. Do đó, việc trợ duyên và tạo động lực giúp cho mẹ cha quy hướng Tam bảo để tu tập chuyển hóa những mê lầm, sống thảnh thơi an ổn là việc làm hết sức thiết thực của người con hiếu hạnh. Bởi khuyến tấn mẹ cha hướng thiện, bỏ tà quy chánh không chỉ đem lại hạnh phúc cho đời này mà còn cả những đời sau. Chính bản thân của con cái cũng thừa hưởng được ân đức khi cha mẹ biết sống “tốt đời đẹp đạo”.
Tuy nhiên, trong cuộc sống đầy nhiêu khê và phức tạp này, có nhiều việc xảy ra không được vừa ý như ta hằng mong muốn. Vì phải lo miếng cơm manh áo, cho nên con cái không có nhiều thì giờ để quan tâm và chăm sóc mẹ cha. Nếu có chăng nữa cũng chỉ là chào hỏi qua loa lấy lệ. Kỳ thực thì trong thâm tâm của mỗi người con đều hằng thương kính và tôn thờ song thân, nhưng vì hoàn cảnh thực tế của cuộc sống chưa cho phép chúng ta dành nhiều thời gian để chăm nom và phụng dưỡng. Và cứ thế, ta ước hẹn đến một ngày nào đó sẽ chu toàn hơn về hiếu nghĩa. Nhưng trớ trêu thay cuộc đời vốn vô thường, không có cái gì chờ đợi chúng ta cả. Rồi việc chưa đến đã đến, trong khi ta chưa kịp trở tay thì mẹ cha đã lặng lẽ từ biệt cõi đời, để lại niềm trống vắng, cô đơn và buồn tủi. Giờ đây, ta chỉ biết ân hận và tiếc thương trong muộn màng, khi phận làm con chưa kịp đáp đền thâm ân dưỡng dục đối với các đấng sinh thành. Thật xót thương biết bao cho những ai không còn cha mẹ, bởi cho dù chúng ta lớn khôn đến mấy chăng nữa, nhưng một khi mẹ cha mất rồi thì vẫn bị hụt hẫng và bơ vơ trong cuộc đời!
Những ai may mắn vẫn còn cha mẹ hiện hữu trên cõi đời này, thì phải biết trân quý và thừa hưởng, chứ đừng hứa hẹn ngày sau. Mỗi ngày bạn nên dành ít thì giờ để chuyện trò và lắng nghe những nhu yếu của song thân khi tuổi già. Bạn không nên nhờ vả cha mẹ phải ngồi suốt ngày trong nhà để bồng bế con cái cho mình. Bởi mẹ cha đã chịu rất nhiều cực khổ nuôi dạy cho ta khôn lớn, giờ đây bạn phải biết dành cho cha mẹ những ngày tháng thảnh thơi còn lại, hầu đáp đền phần nào ơn đức giáo dưỡng trong muôn một.
Để tận hưởng trọn vẹn tình thương yêu ngọt ngào của cha mẹ và chu toàn hiếu nghĩa của bổn phận làm con, bạn cần phải học hỏi đạo lí và chiêm nghiệm lại bản thân, tu tập chuyển hóa tự thân để thấy rõ từng hành động, lời nói và cách tư duy của mình đã thực sự đúng với hiếu đạo hay chưa. Vì khi ta sống trong mê mờ và lãng quên thực tại, thì cách cư xử với người thân sẽ dễ dàng chứa đựng những tính toán, ích kỷ của bản ngã tham sân si, mà lắm lúc ta không hề hay biết. Do đó, trở về với chính mình để thắp sáng hiện tại, nhằm điều chỉnh nhận thức và thái độ sống của mình để hiếu thảo hơn là vấn đề hết sức quan trọng. Bởi khi tâm yên tịnh, sáng suốt và thấy rõ mọi vấn đề tương quan trong cuộc sống này, thì mỗi hành động và lời nói của chúng đều được thiện lành, phù hợp với tinh thần hiếu hạnh. Và đó, chính là nội dung cụ thể và sâu sắc nhất của việc hiếu thảo đối với cha mẹ và các bậc tiền nhân.
Viên Ngộ

Thứ Năm, tháng 5 10, 2012

Tại sao “Oan ức mà không cần biện bạch”?

 
HỎI: Tôi kính nghe: “Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài”. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, tôi phải tiếp xúc với biết bao người, những người này đối xứ tốt với tôi cũng nhiều và gây phiền toái cho tôi cũng không ít. Mặc dù tôi cố chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an khôn tả. Vậy tôi có nên áp dụng theo lời dạy trên hay không và khi gặp những chuyện phiền não bức bách, tôi phải giải quyết như thế nào?
tieungutrua[1]

ĐÁP:
“Oan ức không cần biện bạch vì làm như vậy là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài” là điều tâm niệm sau cùng của Mười điều tâm niệm trong Luận Bảo Vương Tam Muội. Người Phật tử phát Bồ đề tâm, thực hành Bồ tát đạo, dấn thân vào chướng nạn, đối diện với nghịch cảnh, phải thường xuyên nhớ nghĩ điều ấy trong lòng để soi sáng cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động ngỏ hầu viên thành bi nguyện độ sanh, vô ngã, vị tha nhằm thành tựu giác ngộ.
Đây là cốt tủy, tinh túy, là đỉnh cao của pháp hành trên lộ trình Bồ tát đạo. Một người chưa phát Bồ đề tâm, chưa đạt đến vô ngã, thiếu bi nguyện độ sanh thì khó làm được. Do đó, “dù cố gắng chiêm nghiệm lời dạy trên nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an” là chuyện bình thường đối với chúng sanh. Nguyên nhân của sự bất an này không phải lời dạy trên không có tác dụng tích cực khi ứng dụng vào cuộc sống mà chính ở chỗ tu tập và quán chiếu của tự thân chưa thấu đáo, chưa đạt được tuệ giác để vượt qua cái tôi của cá nhân.

a48Thói thường, khi cái tôi bị đe doạ, bị mất an ninh, lập tức tự ngã có một phản ứng để tự tồn. Sự tự vệ của cái tôi rất dữ dội, thậm chí rất ngoan cố bảo vệ cả những điều lầm lỗi. Vì vậy, “oan ức không cần biện bạch” là điều khó có thể chấp nhận. Do đó, chấp nhận sự sai lầm của bản thân là một nổ lực mạnh mẻ, xứng đáng để nhân loại ca ngợi, khâm phục. Vượt lên một bước, chấp nhận cả điều oan ức là lối hành xử cao thượng, là lẽ sống của Bồ tát. Và điều này, chỉ duy nhất những vị mang trong mình tâm niệm Bồ tát mới làm được. Bồ tát nương vào sự tu tập, quán chiếu ngũ uẩn giai không, phát triển tuệ quán và thành tựu tuệ giác vô ngã. Khi đạt đến một nhận thức về tính không của tự ngã thì lúc ấy những rác rưởi đeo bám trên tự ngã tức khắc rơi rụng. Nhờ vậy, dù không cần biện bạch khi gặp những điều oan ức nhưng tâm của Bồ tát vẫn an nhiên.
Bạn đã từng chiêm nghiệm lời dạy trên mà vẫn bất an vì bạn chưa thực sự phát Bồ đề tâm, chưa nổ lực quán chiếu để nhận thức sâu sắc về tính không của tự ngã. Cái gọi là tự ngã, là tôi thực chất chỉ là một tổ hợp bao gồm năm yếu tố: Thân thể (Sắc), cảm thọ (Thọ), tri giác (Tưởng), tư duy (Hành) và nhận thức (Thức). Năm yếu tố này hòa quyện vào nhau để hình thành tự ngã. Đặc tính cơ bản của tự ngã là duyên sinh, đã duyên sinh thì cố nhiên không có tự tính, không thật thể và hoàn toàn vô ngã. Nổ lực quán chiếu về vô ngã tính sẽ làm cho cái tôi cá nhân ngày càng thu hẹp lại cho đến đến triệt tiêu thì tự khắc tình yêu thương không phân biệt sẽ hiện ra. Chính tình yêu thương không phân biệt ấy mới đủ sức dung nhiếp, tha thứ và hoá giải tất cả mọi oan ức và thù hận.
Trong cuộc sống, nếu chưa đủ sức phát khởi Bồ đề tâm, tu tập phát huy tuệ giác vô ngã thì bạn nên biện bạch. Vì biện bạch để làm sáng tỏ vấn đề, đem lại công bằng cho tự thân và mọi người là điều mà những người bình thường vẫn làm. Dù việc làm này không giải quyết triệt để vấn đề nhưng hơn hẵn sự chịu đựng trong bất an, đau khổ. Tuy nhiên, sự biện bạch để giải tỏa oan ức chỉ có tính chất tạm thời. Vì rằng, nếu còn bóng dáng tự ngã thì nổi oan này qua đi, nổi oan khác lại kéo đến và như thế cuộc đời là một chuổi biện bạch. Tự thân của sự biện minh là biểu hiện của tự ngã và đó là vòng luẩn quẩn của thân phận chúng sinh.
Mỗi khi gặp những chuyện phiền não bức bách, bạn nên bình tâm ngồi lại để chiêm nghiệm vấn đề. Hãy đối diện với chính mình, lắng nghe tiếng lòng tâm sự để thấy được căn nguyên của phiền não, bất an. Bạn sẽ thấy rằng phiền não chỉ là những đợt sóng lao xao nô đùa trên tự tâm bình lặng. Không cần xua đuổi hay hàng phục, chỉ quan sát chúng đến và đi một cách rõ ràng. Bạn sẽ mĩm cười khi phát hiện ra chúng tuy có đấy nhưng không thật. Không những phiền não mà ngay cả niềm vui, sự hạnh phúc tất cả đều là hoa đốm trong hư không.
Đạo Phật là đạo của trí tuệ, đỉnh cao là tuệ giác vô ngã. Vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống nhờ sự soi sáng của trí tuệ là chủ trương của Đạo Phật. Nếu chỉ dồn nén và chịu đựng những điều oan ức mà không hoá giải thì đó không phải là sự hành xử của người Phật tử tu học theo lời Phật dạy. Sức chịu đựng và dung chứa của tâm có giới hạn, khi vượt qua ngưỡng thì sẽ bùng vỡ và đem đến hậu quả khôn lường. Do đó, bạn phải tu tập và ứng dụng lời dạy trên trong cuộc sống bằng cách phát huy tuệ giác vô ngã. Sự tu tập để từng bước thành tựu trí tuệ vô ngã sẽ giúp bạn hoá giải, vượt qua tất cả mọi trở ngại đồng thời đem lại cho bạn sự bình an, giải thoát.


Quáng Tánh - Huyền Ngu

Thứ Tư, tháng 5 09, 2012

Tại sao Ngài lại đối xử với con như vậy?

- Thượng đế, con có thể hỏi ngài 1 câu được không?

- Tất nhiên.

- Ngài phải hứa là không nổi giận?

- Ta hứa.

- Tại sao Ngài lại để quá nhiều thứ tồi tệ xảy ra với con ngày hôm nay?

- Chính xác là con muốn nói điều gì?

- Sáng nay, con dậy trễ.

- Phải.

- Xe thì chết máy.

- Okay.

- Vào bữa trưa, họ làm sai món sandwith của con và con phải chờ rất lâu cho món khác.

- Huummm…

- Trên đường về nhà, ngay khi con vừa bắt máy điện thoại di động thì nó hư.

- Ta biết.

- Và trên tất cả mọi thứ, khi con về đến nhà, chỉ muốn thả mình vào cái máy massage chân mới mua để thư giãn. Vậy mà nó cũng hư nốt! Mọi thứ dường như chống đối lại con ngày hôm nay. Tại sao Ngài lại đối xử với con như vậy!

cau-hoi-thuong-de[1]

 

- Để ta xem, thần Chết đã ở bên cạnh giường của con sáng nay và ta buộc phải gửi một thiên thần đến chiến đấu để cứu lấy mạng sống của con. Ta đã để con ngủ xuyên suốt sự việc ấy.

- Oh… (ngạc nhiên)

- Ta đã không cho xe của con nổ máy vì có 1 tài xế đang say xỉn đợi con ở cuối con đường nếu như con đi qua.

- (xấu hổ)

- Người đàn ông làm sandwitch hôm nay đã bị bệnh và ta đã không muốn con bị lây bệnh. Tất nhiên, ta cũng biết là con sẽ bị trễ việc vì điều đó.

- Okay!

- Điện thoại của con bị hư là tại vì người gọi con khi ấy sẽ gây ra một cuộc cãi vã không đáng có và như thế thì rất dễ gây ra tai nạn.

- Con hiểu… (nhẹ nhàng)

- À… còn về cái máy massage chân, nó có một điểm yếu là nó sẽ làm ngắt toàn bộ nguồn điện trong nhà của con. Ta không nghĩ là con muốn ở một mình ở trong bóng đêm, đúng không?

- Con xin lỗi, Thượng đế!

- Đừng xin lỗi, chỉ cần học cách tin vào Ta thôi về tất cả điều tốt lẫn xấu.

- Con sẽ tin Ngài.

- Và phải tin rằng, kế hoạch của ta dành cho con luôn luôn tốt hơn kế hoạch của con.

- Con sẽ làm như vậy. Và con thực sự cám ơn Ngài vì tất cả những gì Ngài đã làm cho con ngày hôm nay.

- Đừng khách sáo, con của ta. Chỉ là một trong rất nhiều ngày làm Thượng đế thôi… Và Ta thì rất thích chăm nom những đứa con của mình.

Mọi sự việc đều có 2 mặt, thấu suốt cả 2 mặt tất cả những gì đến với mình.

Thứ Ba, tháng 5 08, 2012

Đi tìm người thương!

    
     Nhu yếu của con người là mong muốn tìm ra được người mình yêu thương và được kẻ khác đáp lại tình thương ấy một cách chân thật, thủy chung. Nếu con người sống trên cõi đời này mà thiếu vắng tình thương yêu thì kể như vô vị, chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Do đó, đi tìm đối tượng phù hợp về lối sống và tính cách để được thương yêu chăm sóc sớm chiều là vấn đề vô cùng trọng đại, ít ai có thể lơ là, buông trôi!
HP[1]
     Người thương, không hẳn là người xinh đẹp hoặc có bằng cấp địa vị cao trong xã hội mà chỉ cần người ấy có khả năng thấu hiểu và chấp nhận được lối sống của bạn! Nếu như bạn lỡ dại thương yêu một ai đó vì sắc đẹp, vì giàu sang quyền quý nhưng tính cách giữa hai người không mấy hợp nhau thì chẳng đem lại kết quả tốt đẹp như bạn hằng mong muốn. Vì vậy, đi tìm được một mẫu người tương thích như ý muốn mà mình đặt ra là cả vấn đề hết sức khó khăn, vất vả. Trong thực tế không có ai hoàn hảo cả, người được mặt này thì lại yếu kém về mặt nọ, hay nói cách khác bản chất của mỗi con người đều có các đức tính tốt đẹp và xen tạp những ý niệm xấu xa khó lường. Nếu trong hiện tại chúng ta không biết tu tập quy chiếu lại chính mình, thì những hạt giống phiền não tiêu cực kia sẽ dễ dàng phát khởi và xâm chiếm tâm hồn. Cũng chính vì lẽ đó, cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng:
     Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm không được điều phục. Tâm không được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến bất lợi lớn. Và ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn, này các Tỷ-kheo, như tâm được điều phục. Tâm được điều phục, này các Tỷ-kheo, đưa đến lợi ích lớn. (Tăng Chi Bộ Kinh, chương I, phẩm không điều phục)
Thật rõ ràng, nếu chúng ta không biết cách nhận diện, điều phục và làm chủ được tâm ý mình, thì mọi hành động, nói năng ứng xử trong cuộc sống sẽ tùy thuộc vào cái ta tham ái chấp thủ, và dĩ nhiên là đưa tới bất lợi, khổ đau. Ngược lại, khi một người thường trực quán sát thân tâm và chuyển hóa được các ý niệm tiêu cực xấu ác thì mỗi việc làm của họ đều đem lại lợi ích an vui cho cuộc đời. Do đó, phẩm chất toàn hảo của con người được biểu hiện trọn vẹn hay không là tùy vào việc tu niệm của mỗi người ngay trong đời sống hiện tại.
0451

     Vậy thì, bạn muốn đi tìm mẫu người lý tưởng để thương yêu và được cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, nhưng trong khi đó tâm ý tham vọng chấp ngã của bạn chưa được điều phục, liệu tình thương yêu ấy có đem lại hạnh phúc toàn vẹn hay không? Bởi lẽ, khi chung sống với một người không mấy phù hợp thì bạn sẽ tìm cách tránh tré, loại bỏ để đi tìm đối tượng khác, đến khi chọn lựa được người dễ thương xinh đẹp thì bạn lại lo lắng sợ mất và tìm đủ mọi phương cách để chiếm giữ. Như thế, cả hai trường hợp trên đều khiến cho bạn bất an và khổ sở! Mặt khác, mọi thứ trên cuộc đời này luôn luôn thay đổi, không có gì thực sự tồn tại lâu dài. Thân tâm của chúng ta sinh diệt biến đổi trong từng giây từng phút cho nên mới dẫn đến sự già nua và tật bệnh. Hoàn cảnh cuộc sống cũng vô thường không khác, có người giàu sang sung sướng rồi lại nghèo khổ túng thiếu, những mối tình tan vỡ chia cách vẫn thường xuyên hiện hữu, và sự kiện sóng thần, động đất, bão lụt xảy ra khắp nơi không ai có thể lường trước hết được. Sự thật của đời sống này là như thế, cho nên dù bạn cố công gìn giữ, níu kéo để cho tình yêu mãi mãi sắc son bền vững thì cũng không thể được. Khi chúng ta nhận thức được điều này thì cho dù gặp bất cứ sự việc gì xảy ra cũng không khiến cho ta phải ngỡ ngàng và sầu khổ.
431465_282600808477892_100001839249833_676364_689900781_n[1]

     Thực ra, người thương chỉ có mặt khi bạn biết buông xuống cái ta lăng xăng tìm cầu, chọn lựa cái này hoặc loại trừ cái kia, hay nói cách khác khi trong tâm bạn hoàn toàn vắng bóng cái ta phân biệt, kỳ thị thân sơ thì bạn dễ dàng mở lòng thương yêu tất cả mọi người. Bởi vì, bản chất của các pháp vốn bình đẳng, trong sáng không có sự phân chia tốt xấu, hay dở chỉ vì chúng ta sống trong thất niệm mê lầm, không thấy rõ thực tánh tự nhiên của các pháp nên mới tạo ra chuỗi dài sầu, bi, khổ, ưu não… Vì lẽ đó, cho nên khi Huệ Năng nghe được câu kinh “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm- Kinh Kim Cang” thì ngài thốt lên rằng:
Hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh,
Hà kỳ tự tánh bổn bất sanh diệt,
Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc,
Hà kỳ tự tánh bổn vô động diêu,
Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp.
Dịch nghĩa:
Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.
(Kinh pháp Bảo Đàn)
     Theo tuệ giác của ngài Huệ Năng thì các pháp vốn đã hoàn chỉnh, chúng luôn luôn vận hành đúng với nhân quả tội phước mà ta đã tạo ra trong hiện tại. Mọi sự vật hiện tượng luôn luôn biến đổi, không có cái gì thực sự đứng yên một chỗ. Dòng sông, đám mây, cơn mưa, cây cỏ, ánh nắng mặt trời… chúng có mặt trong nhau, làm nên nhau và không có một cái ta riêng biệt độc lập, cũng chẳng có đối tượng để cho cái ta bám víu trụ chấp. Hay nói cách khác, khi tâm thức của bạn không cấu tạo nên chủ thể (cái ta) thì đối tượng (của ta) cũng không hiện hữu và như thế bạn sẽ ung dung tự tại sống “tùy duyên thuận pháp”. Để được như thế, bạn chỉ cần có mặt trọn vẹn với những gì mà mình đang tiếp xúc, buông xuống thói quen phản ứng định đoạt để tùy thuận theo tiến trình diễn biến của thực tại đang là. Mỗi khi bản ngã tham sân si không còn hiệu lực chi phối lên đời sống, lúc bấy giờ khả năng chấp nhận và thương yêu của bạn mới thực sự trọn vẹn, vượt ra khỏi ranh giới chọn lựa lấy bỏ. Và nhờ đó, bạn không cần phải bỏ công sức để đi tìm người thương ở đâu cả, vì ở nơi bạn đã sẵn có tình thương yêu đích thực.
2k7fff102694[1]

     Trong thực tế, khi bạn muốn thương yêu một ai đó trước hết bạn phải biết thương lấy chính mình. Nếu bạn không biết thương yêu chăm sóc thân tâm của mình cho lành mạnh, trong sáng thì làm sao bạn có thể thấu hiểu và cảm thông đối với những người khác? Ví dụ, khi người nào đó nói về bạn một câu hơi nặng lời, nếu giây phút ấy bạn thiếu khả năng trầm tĩnh, sáng suốt để thấy rõ nguyên nhân của sự việc xảy ra thì bạn sẽ phản ứng sự bực bội hoặc chạy trốn hiện thực. Và như thế, bạn không thể trải nghiệm được những bài học thiệt thực từ cuộc sống, nên khả năng chấp nhận và lòng thương yêu của bạn đối với mọi người chung quanh sẽ bị hạn hẹp. Vì vậy cho nên, trở về với chính mình, chuyển hóa những hạt giống xấu trở thành tốt, làm tươi mát vườn tâm của mình là vấn đề chính yếu cần phải thực thi để cho vườn tâm tuệ giác trong ta được dễ dàng biểu hiện.
     Thiết nghĩ, niềm khát vọng của con người là muốn được một ai đó thấu hiểu, cảm thông và sớm hôm cùng nhau chia sẻ tâm tình là vấn đề hết sức quan trọng không thể thiếu. Tuy nhiên, lòng mong ước này chỉ được thành tựu khi bạn biết chấp nhận những yếu kém của kẻ khác và đặc biệt buông xuống cái ta và cái của ta thì tình thương yêu chân thực tức thời hiện hữu. Hơn hết, bạn không cần phải chờ đợi hay là tìm cầu người thương ở đâu cả, bởi vì sự có mặt của người thương chỉ tùy thuộc vào thái độ sống tỉnh thức trọn vẹn của bạn ngay tại đây và bây giờ.

Viên Ngộ

Thứ Bảy, tháng 5 05, 2012

Tuệ giác biểu hiện


      Trong bản tâm của mỗi chúng sinh vốn có đầy đủ đức tính trong lành và sáng suốt. Nhưng do bụi trần cấu uế che phủ, nên bản tính uyên nguyên sáng suốt ấy chưa có cơ hội để hiển bày. Như ánh sáng của mặt trăng xưa nay vẫn thường soi chiếu, nhưng tại đám mây giăng kín cả không gian, nên vạn vật phải bị chìm vào trong đêm tối, và đến khi áng mây trôi qua thì khắp không gian đều được sáng tỏ. Cũng vậy, mỗi khi ngọn đèn tuệ giác ở trong tâm ta được thắp sáng, thì bóng tối vô minh không còn. Lúc bấy giờ, niềm an lạc và hạnh phúc chân thực luôn luôn được hiện hữu trong ta, và lan tỏa đến cho mọi người.
Trong đạo Phật, chúng ta thường nghe nói tới ngày Phật Đản. Tức là ngày mà đức Phật thị hiện ra giữa cuộc đời này, để chỉ cho nhân loại thấy rõ giá trị đích thực của sự sống và giúp cho tất cả chúng sinh vượt thoát phiền não, khổ đau! Hình ảnh đức Phật sơ sinh là biểu tượng cho tuệ giác ở trong tâm thức của chúng ta phát khởi. Đức Thế Tôn đã từng dạy rằng, “tất cả chúng sinh đều có Phật tính, ta là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nghĩa là, trong bản tâm của mỗi con người đều có trí tuệ giác ngộ và sẽ thành Phật. Nhưng tại vì ta bị tham lam, giận hờn và si mê trói buộc, sai khiến, cho nên tuệ giác “đáng tôn quý” ấy chưa có cơ hội để biểu hiện. Ngày hôm nay, nhờ có phước duyên gặp được chánh pháp và thực hành theo lời Phật dạy, nên tâm trí ta được thắp sáng và thấy rõ bản chất sinh động của cuộc đời!
Thắp sáng đèn trí tuệ
Tỏa chiếu khắp thế gian
Thấy rõ ràng muôn pháp
Thôi tìm kiếm Niết Bàn.
Thật vậy, khi còn ở trong bóng tối của vô minh ái dục, thì ta chẳng thấy được sự vận hành tất yếu của các pháp, nên bị bản ngã dễ dàng điều động và sai sử, đến khi ánh sáng trí tuệ soi chiếu, thì niềm an vui và hạnh phúc tự động biểu hiện, mà ta không cần phải chạy đi tìm kiếm ở một nơi nào khác.
Do đó, sở dĩ con người phải chịu nhiều khổ đau và sinh tử luân hồi trong lục đạo, là do “cái tôi” ở nơi chính mình tạo ra. Bởi mỗi khi ta sống trong thất niệm và không biết rõ là mình đang làm gì, thì cái tôi hay bản ngã ấy sẽ sinh khởi và chi phối toàn bộ đời sống sinh hoạt của bản thân, và tạo ra phiền não cho những người chung quanh.
Sống thuận theo bản ngã, tức là ta đối kháng lại với lẽ thật của cuộc đời và trái ngược với sự vận hành của nhân duyên, nghiệp quả. Bởi thói quen của bản ngã là chọn lựa, chiếm hữu và muốn duy trì những gì mà nó ưa thích, tham muốn, trong khi đó thực trạng của cuộc sống thì lại khác hẳn. Mỗi một con người hiện hữu trên cõi đời này, thì ai mà chẳng bị ốm đau, bệnh tật? Cho dù chúng ta có đầy đủ của cải vật chất đến mấy chăng nữa, thì cũng không thể nào tránh khỏi được bệnh hoạn, đó là một sự thật hiển nhiên. Thế nhưng, người ta vẫn cứ mong cầu cho cơ thể của mình đừng bị bệnh tật và được trẻ trung mãi mãi. Nếu sự mong cầu ấy được thành tựu, thì cớ sao con người vẫn cứ bị ốm đau, già nua và tàn hoại theo thời gian? Như vậy, mọi tính toán của bản ngã đều trái ngược lại với dòng biến chuyển sinh động của các pháp trong đời sống này. Đám mây trắng thì cứ thong dong bay lơ lững trên bầu trời, dòng nước vẫn êm ả đêm ngày chảy ra biển khơi, cây cối thì ra hoa kết trái và úa tàn theo chu kỳ của nó, vạn vật luôn luôn thay đổi theo tiến trình tất yếu để làm nên sự sống. Cũng giống như khi ta làm nhiều công việc, thì cơ thể sẽ bị mệt mõi và căng thẳng, do đó ta cần phải nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe. Thế nhưng, ta không biết lắng nghe và cảm thông sự nhu cầu ấy của cơ thể, mà lại cố gắng để làm thêm nữa, nhằm thỏa mãn cho những gì mà bản ngã ưa thích, mong muốn. Và như vậy, chỉ đem lại sự mệt mõi và bất an cho thân tâm, còn hạnh phúc thì nghìn trùng xa cách! Thực ra, tất cả các pháp đến và đi trong đời sống này, có thể là thuận hay nghịch, khổ hay vui v.v… nhưng đều tuân theo nguyên lý vận hành tất nhiên của dòng nhân quả nghiệp báo mà mỗi người tự tạo ra.
Vì thế, người nào biết sống thuận theo sự vận hành của pháp tức là không còn rơi vào quy trình chấp thủ của bản ngã tham, sân, si. Người ấy xứng đáng được đức Phật tán thán, ngợi khen, là người tiếp nhận được chánh pháp của Như Lai. Do đó, trước khi nhập Niết Bàn, Thế Tôn căn dặn rằng:
“Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy”. (Kinh đại Bát Niết Bàn, tập I).
Sống thuận theo sự vận hành của pháp, tức là ta không đem cái chủ ý, kiến thức, quan niệm v.v… của mình để áp đặt lên “thực tại đang là”. Khi có sự việc gì đến với mình, thì căn cứ vào hiện thực ấy để giải quyết, xong rồi thì buông ra. Cũng giống như đôi bàn tay vậy, nó có khả năng cầm nắm và làm tất cả mọi công việc, nhưng đến khi làm xong việc thì buông ra chẳng cần nắm giữ lại cái gì trong tay cả. Nhờ vậy nên đôi bàn tay mới rảnh rang và có thể làm được tất cả mọi công việc. Đó là sự khéo léo, thông minh và diệu dụng của đôi bàn tay!
Mặt khác, mỗi khi ta sống trọn vẹn với từng diễn biến đang xảy ra ở thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại, thì sẽ phát hiện ra được ý đồ tạo tác của bản ngã. Những kiến thức quy ước, điều lệ, thói quen phản ứng của bản ngã được xây dựng từ bấy lâu nay, đều bị rơi rụng và tan biến bởi nhờ sự soi chiếu của tuệ giác vô ngã. Quy trình xựng lập của chúng vô cùng tinh tế và thiện xảo; ngay trong mỗi giây phút ở hiện tại, ta chỉ cần thiếu sự định tĩnh và không rõ biết là mình đang làm gì, thì toàn bộ  hành động, nói năng và suy nghĩ sẽ rơi vào ý đồ của bản ngã tham sân si. Và lúc bấy giờ, cho dù ta phấn đấu để hoàn thành mọi công trình lớn lao đến mấy chăng nữa, nhưng nếu ta không có tuệ giác để soi chiếu vào mỗi hành động mà mình đang làm, thì công việc đó đôi khi chỉ là để phục vụ cho một bản ngã tinh tế và thâm sâu hơn, mà lắm lúc ta không hề hay biết!
Do đó, hình ảnh đức Phật đản sinh, là biểu trưng cho tuệ giác vô ngã vốn có ở nơi mỗi chúng ta được phát khởi. Và người phát huy được tuệ giác thì sẽ biết sống tùy thuận với sự biến chuyển thăng trầm của cuộc đời, mà chẳng hề bị bất cứ điều kiện hay hoàn cảnh nào ràng buộc và sai sử. Nhờ đó cho nên, con người ấy vẫn sống trong cuộc đời đầy ô trược, uế nhiễm nhưng tâm hồn vẫn ung dung và tự tại để cứu giúp cho chúng sinh thoát khổ!
Để phát huy tuệ giác và sống tùy duyên thuận pháp, thì khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, bạn chỉ cần lặng lẽ quan sát sự sinh khởi và diễn biến của chúng, mà không cần phải gia tâm thêm bớt hay loại trừ điều gì cả. Hay nói cách khác là, đừng để cho bản ngã xen vào cắt xén và làm méo mó cái thực tại “bây giờ và ở đây”. Hãy buông xuống mọi ý niệm, cho dù đó là ý niệm muốn thành Phật, thì ngay khi đó tuệ giác tự động soi chiếu, như ngọn đèn được thắp sáng lên giữa căn phòng trong đêm tối. Và mỗi khi trong tâm được thanh tịnh và thấy rõ ràng các pháp, thì cho dù bạn sống bất cứ ở nơi đâu và hoàn cảnh nào, cũng đều được an bình và tự tại.

Viên Ngộ

Thứ Sáu, tháng 4 13, 2012

Kẻ trộm

 

Tại một nước Hồi giáo, người đàn ông nọ bị kết án tử hình vì đã lấy trộm thức ăn của kẻ khác. Trước khi bị treo cổ, theo thông lệ, anh ta được phép xin nhà vua ban cho một ân huệ. Và anh ta đã kêu lên:

- Xin bệ hạ cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm mà thôi, hạt giống sẽ nảy mần, đâm bông và kết trái ngay lập tức, vì đó là bí quyết gia truyền.

imagesCA9JI27J

 

Nhà vua chấp thuận. Đúng giờ đã định, trước mặt nhà vua và bá quan văn võ, anh ta đào một cái lỗ nhỏ và nói :

- Chỉ người nào chưa hề ăn trộm, mới có thể gieo hạt giống này được. Vì đã từng lấy cắp, nên tôi không thể...

Nhà vua tin lời anh ta, bèn quay sang nhìn quan tể tướng. Sau một lúc do dự, quan tể tướng bèn thưa:

- Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu cũng có lần lấy cắp của người khác, nên thần không thể...

Nhà vua thầm nghĩ :

- Ta sẽ nhờ viên thủ kho vốn nổi tiếng thanh liêm, không tham nhũng hối lộ.

Nhưng viên thủ kho cũng khiêm tốn từ chối vì đã có lần thụt két và gian lận trong tiền bạc.

Không tìm được người nào, nhà vua bèn đứng dậy cầm hạt táo đến bỏ vào chiếc lỗ, nhưng bỗng sực nhớ ra rằng mình đã có lần đánh cắp báu vật của vua cha.

Lúc bấy giờ tên tử tội mới chua xót thốt lên :

- Các ngài là những kẻ giàu sang, quyền cao chức trọng, chẳng hề thiếu thốn điều chi, thế mà cũng đã hơn một lần ăn cắp. Còn tôi, một kẻ khốn khổ, chỉ vì mượn đỡ thức ăn trong cơn đói thì lại bị kết án treo cổ. Chẳng công bằng chút nào…

Thứ Ba, tháng 4 03, 2012

Chùm ảnh: Lễ đặt bát cúng dường 22.600 vị sư

 

Sáng Chủ nhật, ngày 25-3-2012 trong dịp kỷ niệm 2600 năm Đức Phật thành đạo, tại thủ đô Bangkok -Thái Lan đã long trọng tổ chức lễ đặt bát cúng dường đến 22.600 vị Tỳ kheo và Sa-di , địa điểm là Bùng Binh Lớn (Wongvienyai) - Bangkok.

Đây là lần thứ 6 trong tháng 3, sự kiện tổ chức lễ đặt bát cúng dường diễn ra tại Bangkok với mục đích là tạo cơ hội cúng dường đến 1.000.000 vị Tăng để cầu nguyện cho sự trường tồn của Phật giáo trên toàn nhân loại.

Tất cả vật thực lương khô nhận được trong đại lễ cúng dường sẽ được chuyển đến để viện trợ cho chư Tăng ở các chùa thuộc 4 tỉnh biên giới miền Nam đang sống trong tình trạng bất ổn cũng như là hỗ trợ cho gia đình những nạn nhân trong trận lũ lụt của năm qua.

 

Theo: DMC

Thứ Bảy, tháng 3 31, 2012

Hai vị thiền sư

 

Có một vị thiền sư trú trong túp lều tranh ở trên núi, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, nhìn thấy một tên trộm đang chiếu cố túp lều tranh của mình nhưng tìm không được vật gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngoài đang mặc trên người và đứng ngoài cửa đợi tên trộm ra, vì ngài sợ làm kinh động tên trộm.

Tên trộm vừa quay ra thì gặp thiền sư, trong lúc tên trộm hốt hoảng vị thiền sư liền nói:

“Anh bạn! Đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về tay không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này mà về cho đỡ lạnh."

Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên thân tên trộm. Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại.

Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm nói:

“Rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi.”

imagesCAV6Q9OM

Vài hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ngài khoác lên thân tên trộm mấy hôm trước đó được xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẻ nói:

“Cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.

Lại có câu chuyện khác cũng tương tự. Trong thiền viện của thiền sư Tiên Nhai, có một vị học tăng rất ham chơi, vị này không chịu nổi cái cảnh vắng lặng yên bình của chốn thiền môn. Vào những buổi tối vị tăng sinh này thường ra vách tường sau chùa, đặt một cái ghế để leo qua tường ra bên ngoài chơi.

Sau khi thiền sư biết được, ngài không nói với ai. Một lần, vị tăng sinh này trèo tường trốn đi chơi, ngài đi theo phía sau và đem chiếc ghế để qua một bên rồi ngồi vào chỗ đó đợi vị học tăng trở về. Đêm khuya vắng vẻ, vị học tăng trở về, không biết chiếc ghế đã bị di chuyển nên vẫn leo qua vách tường và thò chân xuống ghế như mọi khi để vào chùa, nhưng khi vừa đặt chân xuống thì cảm thấy chiếc ghế dưới chân mình sao mềm mại là lạ, cúi xuống nhìn thì hoá ra mình đang đứng trên vai vị thiền sư thầy mình.

Lập tức vị học tăng hồn bay phách tán quỳ xuống nói không ra lời. Thiền sư liền đỡ vị học tăng đứng lên và nhẹ nhàng nói:

“Đêm khuya sương nhiều, cẩn thận chứ ướt lạnh hãy nhanh vào phòng nghỉ ngơi."

Sau khi về phòng vị tăng sinh cứ phập phồng lo sợ không yên, trắng đêm không ngủ, lo sợ thiền sư sẽ trách phạt mình trước mặt đại chúng. Nhưng sự việc thì ngược lại, cứ ngày ngày trôi qua, thiền sư không nhắc đến chuyện, cũng không nói cho ai biết. Vị tăng trẻ tự trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn vô cùng, từ đó về sau không dám trốn ra ngoài chơi mà quyết chí tu học, cuối cùng trở thành một vị tăng nổi tiếng đương thời.

Thứ Sáu, tháng 3 30, 2012

Chuyến viếng thăm Cambodia

DSC03525DSC03497

IMG_0982IMG_0987

DSC03550DSC03551

DSC03547DSC03564

DSC03592DSC03347

IMG_1031DSC03392

DSC03379DSC03386

DSC03372DSC03483

DSC03414DSC03420

DSC03457DSC03449

DSC03426DSC03460

DSC03511DSC03526